VÙNG ĐẤT VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ
Bình Phước hiện có 16 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt thì huyện Lộc Ninh có đến 7 di tích, trong đó 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 5 di tích cấp quốc gia. Chưa hết, Lộc Ninh còn có 5 trong tổng 23 di tích danh thắng, văn hóa cấp tỉnh. Đây được xem là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với nhiều loại hình di sản khác nhau mang tính đặc trưng, riêng có của Lộc Ninh.
BỀ DÀY LỊCH SỬ
Trong lĩnh vực di sản khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ở huyện Lộc Ninh hiện có ít nhất 11 di chỉ thành đất đắp hình tròn có niên đại khoảng 3.000 năm cách ngày nay. Những di chỉ này là nơi cư trú có phòng thủ của người tiền sử. Trong đó, Lộc Tấn 2 là di chỉ khảo cổ tiêu biểu, đặc trưng nhất trong hơn 70 di chỉ thành đất đắp hình tròn đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đây là hệ thống di chỉ có quy mô lớn còn mang tính nguyên vẹn về cấu trúc rất rõ, nhiều tầng văn hóa. Qua công tác khảo cổ, các di chỉ đã chứng minh rằng: bằng các công cụ thô sơ, chủ yếu là rìu đá, tre, gỗ...; người tiền sử đã làm nên công trình thành đất có quy mô lớn hơn 17 ha, độ cao thành hơn 10m. Điều đó cho thấy thành đất đắp hình tròn là một công trình vĩ đại, thành quả của cả cộng đồng trong khoảng thời gian khá dài. Những kết quả nghiên cứu về di chỉ thành đất hình tròn còn phát lộ nhiều thông tin khoa học có giá trị, đủ sức hấp dẫn du khách cũng như các nhà nghiên cứu, đam mê khoa học trong và ngoài tỉnh.
Du khách có thể trải nghiệm một ngày làm công nhân cao su thời Pháp thuộc ngay tại Nhà máy chế biến cao su Lộc Ninh
Từ thời Pháp thuộc, Lộc Ninh nổi bật với cụm công trình kiến trúc liên quan đến thời kỳ cai trị và khai thác cao su của tư bản Pháp. Những công trình như: làng công tra, nhà hát, bệnh viện, nhà điểm danh, nhà thờ... là những minh chứng hùng hồn cho giai đoạn được xem là địa ngục trần gian của những phu cao su bị áp bức bóc lột dưới thời Pháp thuộc ở Lộc Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Lộc Ninh ghi dấu nhiều sự kiện, chứng tích có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng vào năm 1972, là nơi có căn cứ của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 trước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lộc Ninh còn là nơi đóng căn cứ của Đoàn 315 - Phái đoàn quân sự Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn phải thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris. Đặc biệt, Lộc Ninh còn là nơi diễn ra hoạt động trao trả tù binh, tiếp đón gần 3.000 đồng bào, chiến sĩ và nhân dân ta từ các nhà tù của Mỹ - ngụy trở về sau những năm tháng giam cầm. Ngày nay, các di tích lịch sử như: Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang là minh chứng sống cho trang sử vàng của thời kỳ chống Mỹ cứu nước của quân và dân miền Nam.
Lễ hội phá bàu - một trong những lễ hội đặc sắc của người Khơme ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh - Ảnh: Hưng Điền
Nói đến Lộc Ninh không thể không nói đến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nơi đây, đồng bào S’tiêng còn gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng, trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian, nhạc cụ cồng, chiêng được lưu truyền mang đậm bản sắc văn hóa tính cộng đồng. Đồng bào Khơme với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian,... đã và đang được đồng bào nơi đây duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội xuống đồng, lễ hội Dua Tpeng hay còn gọi là phá bàu làm nên sắc thái văn hóa mang tính đặc trưng của huyện Lộc Ninh. Ngoài ra, Lộc Ninh còn được bồi đắp nét đẹp truyền thống múa sạp của dân tộc Thái, Khua Lóong của người Mường, đàn tính, hát then của người Tày... rất độc đáo được các dân tộc phía Bắc di cư vào Nam lưu giữ.
CÒN ĐÓ NHỮNG TRĂN TRỞ
Các di sản văn hóa ở Lộc Ninh có giá trị tiêu biểu, mang tính đặc trưng, riêng có của vùng đất biên giới giàu truyền thống cách mạng. Thế nhưng, khối di sản văn hóa đồ sộ này vẫn chưa được đầu tư, khai thác để phát huy hết giá trị tiềm năng vốn có của nó cho sự phát triển chung của huyện Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
Trước hết là những hạn chế đang tồn tại ở các thực thể di sản, đặc biệt là di tích lịch sử văn hóa. Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử tồn tại nhiều công trình, kiến trúc được cải tạo không đúng quy trình kỹ thuật làm ảnh hưởng, tác động xấu đến giá trị của di sản. Đơn cử như di tích Nhà giao tế tồn tại nhiều công trình bất hợp lý, cụm tượng đài chiến thắng Lộc Ninh đặt ngay trong khuôn viên Nhà giao tế chưa phù hợp về ý nghĩa lịch sử, làm cho không gian, cảnh quan di tích tù túng, mất cân đối. Khu nhà trưng bày các hiện vật, xe giải phóng quá gần các hạng mục chính của di tích không chỉ tác động đến kỹ thuật mà còn làm ảnh hưởng đến cảnh quan và tính thẩm mỹ của di tích này.
Còi tàu và nhà ga xe lửa tuyến đường sắt Lộc Ninh - Dĩ An thời Pháp thuộc tại Nhà máy chế biến cao su Lộc Ninh
Di tích Sân bay quân sự Lộc Ninh lại tồn tại một vấn đề khác. Đó là sự đơn điệu và trơ trọi đến nghẹn ngào. Với một nơi đã ghi dấu nhiều sự kiện có giá trị về lịch sử, đặc biệt là hoạt động trao trả tù binh và đón đồng bào ta từ các nhà tù của Mỹ - ngụy, các hiện vật hoạt động của đoàn Ban liên hiệp quân sự Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vấn đề đấu tranh để chính quyền Việt Nam cộng hòa thi hành Hiệp định Paris... hiện không còn gì, chỉ còn lại duy nhất cổng chào mới được trùng tu vài năm trở lại đây và đường băng sân bay. Một di tích mang đầy ý nghĩa về lịch sử nhưng lại hết sức đơn điệu đến mức trống không sẽ khiến du khách nhanh chóng nhàm chán khi đến tham quan nơi này.
Với di tích Bệnh viện Lộc Tấn, di tích chiến thắng Dốc 31, nơi thành lập Sư 302, chùa Sóc Lớn, di tích Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2... đến nay vẫn chỉ dừng lại ở việc xếp hạng. Hàng loạt di tích, danh thắng của huyện Lộc Ninh vẫn chưa được đầu tư trùng tu, khai thác cả về nội dung lẫn hình thức để phát huy giá trị hệ thống di tích và danh thắng. Ngoài ra, sự đơn điệu thiếu tính sáng tạo trong công tác tôn tạo cũng làm cho khuôn viên các di tích vừa rối vừa bất cập, lại đánh mất giá trị vốn có của chính di tích.
Thứ hai là nguồn nhân lực, công tác tổ chức, quản lý hoạt động ở các di tích, di sản, danh thắng cũng đang có vấn đề. Trừ di tích Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam có bộ máy quản lý riêng, 11 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Lộc Ninh hiện nay chỉ có một thuyết minh viên ở tại di tích Nhà giao tế. Các di tích còn lại chỉ có bảo vệ trông coi, gìn giữ di tích. Vấn đề trọng tâm của di tích khi có khách tham quan là công tác thuyết minh nhưng hầu như toàn bộ hệ thống di tích đang bị bỏ ngỏ hoặc không thường xuyên. Như vậy, nếu du khách đến tham quan các di tích, phần lớn họ phải tham quan “chay” dẫn đến nhàm chán và hệ lụy kéo theo là hệ giá trị của các di sản - di tích không thể phát huy hiệu quả.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, hiện nay đa phần vẫn do cộng đồng tự gìn giữ, bảo tồn. Do đó, các di sản văn hóa này vẫn còn chìm lắng trong dân, chưa có điều kiện phát huy tốt nhất. Bên cạnh đó, nhiều địa điểm, công trình có giá trị liên quan với nhau nhưng chưa được xếp hạng cũng ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị ở các di tích đã xếp hạng. Tiêu biểu có thể kể đến cụm công trình thời Pháp thuộc ở xã Lộc Tấn. Hiện nay chỉ mới Bệnh viện Lộc Tấn được xếp hạng, còn nhà hát, nhà thờ, làng công tra vẫn chưa. Điều này vừa làm cho việc phát huy di tích Bệnh viện Lộc Tấn kém hiệu quả vừa khó khăn trong quản lý các công trình có giá trị nhưng chưa được xếp hạng...
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065