Lãnh tụ Cuba Fidel Castro phát biểu trước hàng nghìn người dân bên ngoài Văn phòng đại diện quyền lợi của Mỹ ở La Habana (Cuba) ngày 21-6-2004. (Nguồn: EPA-TTXVN)
Sau đây là nội dung bài viết:
Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro đã từ biệt thế giới này vào tháng 11-2016. Trước đó 3 tháng, tôi đã đến thăm ông tại nhà riêng vào dịp 13-8 khi ông tròn 90 tuổi.
Tiếp theo, tôi đã dự buổi mừng thọ ông được tổ chức ở nhà hát Karl Marx tại khu Miramar, La Habana.
Lúc bấy giờ Fidel đã yếu nhiều, nhưng đầu óc vẫn rất minh mẫn và sáng suốt chẳng khác gì khi tôi quen ông năm 1980 ở Managua, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Nicaragua thành công.
Sau lần gặp gỡ ấy, chúng tôi đã có một tình bạn kéo dài suốt mấy chục năm. Ngay cả khi không còn đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo đất nước, Fidel vẫn mời tôi đến thăm tại gia đình ông.
Những cuộc chuyện trò của chúng tôi từ đấy luôn có sự hiện diện của bà Dalia, vợ ông, và thường là xoay quanh đủ mọi đề tài, từ chuyện chính trị cho đến các lý thuyết về Vũ trụ luận.
Với tất cả kinh nghiệm sống của mình, với những bài diễn văn và các bài báo mà ông đã viết, Fidel để lại cho chúng ta một di sản phong phú.
Và bản di chúc của ông mà Raul Castro đọc tại Quảng trường Antonio Maceo ở Santiago de Cuba trong dịp lễ an táng đã làm tất cả mọi người thực sự ngạc nhiên.
Trái ngược với truyền thống sùng bái cá nhân có ở nhiều nơi, Fidel đã viết di chúc nói rõ là ông yêu cầu không dùng tên ông để đặt cho bất cứ công trình nào, dù là trường học hay bệnh viện… hoặc bất kỳ một con phố hay đường sá công cộng nào.
Ông cũng đề nghị không dựng chân dung hay tượng đài của ông ở bất cứ đâu, dù là tượng bán thân hay toàn thân.
Quyết định đó của Fidel hoàn toàn trùng hợp với câu nói của Marti mà sinh thời ông hằng tâm niệm: “Tất cả mọi vinh quang trên thế giới đều nằm gọn trong một hạt ngô.”
Và vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngôi mộ của ông ở nghĩa trang Santa Ifigenia, Santiago de Cuba là một tảng đá có hình hạt ngô, như điều ông mong muốn.
Fidel là một nhà cách mạng luôn biết chiến thắng. Điều ấy là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ông không bao giờ là một người giáo điều.
Vì không giáo điều nên ông đã hợp nhất được các nhóm cánh tả Cuba, bao gồm Phong trào 26-7 do ông khởi xướng, cùng với Ban lãnh đạo học sinh sinh viên và Đảng Cộng sản trong một mục tiêu chung là đánh đổ chế độ độc tài Batista.
Fidel không phải là một chính khách mô phạm. Ông luôn cảm thấy dễ chịu hơn giữa đám đông dân chúng, những người đã nghe ông giải thích và trình bày những vấn đề chính trị trong những bài diễn văn dài mà họ từng kiên nhẫn lắng nghe.
Ông thích đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp, các nhà máy, trường học và bệnh viện. Ông luôn có cách làm cho những người đối thoại cảm thấy thoải mái khi bày tỏ những ý kiến phê bình và nêu ra những gợi ý, kiến nghị.
Fidel là người không bao giờ biết sợ hãi. Ông đã cùng với các đồng chí của mình tấn công trại lính Moncada năm 1953 với sự thôi thúc của lý tưởng mong muốn châm lên một mồi lửa của quá trình cách mạng Cuba, dù biết rằng họ có thể đứng trước mối hiểm nguy hy sinh thân mình vì sự nghiệp.
Fidel nhận thức rõ vai trò lịch sử của mình khi đích thân soạn thảo bản tự bào chữa nổi tiếng “Lịch sử sẽ phán xét tôi vô tội,” bởi vì với tư cách một luật sư, ông được phép thực hiện quyền tự bào chữa trước Tòa.
Trước cả Karl Marx, người thầy tinh thần của Fidel chính là Jose Marti. Tính cách của Fidel chỉ có những người nắm rõ tác phẩm của Marti và phương thức hình thành nhân cách mà các cha dòng Tên đã đào luyện ông trong hàng chục năm ở bậc tiểu học và trung học mới có thể hiểu được.
Fidel kế thừa sự thông tuệ của Marti và tiếp nhận sự giáo dục về ý chí từ các cha dòng Tên.
Cuộc xâm lăng vào Cuba ở Vịnh Con Lợn năm 1961 do Washington đạo diễn đã đẩy quốc đảo này thắt chặt mối quan hệ với Liên bang Xô viết trong thời đại thế giới phân chia thành hai cực sau chiến tranh lạnh.
Fidel luôn luôn bày tỏ sự biết ơn đối với tình đoàn kết của Liên Xô, nhưng ông đồng thời biết giữ vững chủ quyền của Cuba trước sự can thiệp của người Nga.
Những câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro
Mặc dù chủ nghĩa vô thần được áp dụng trong hệ thống giáo dục của Cuba trong thời gian dài, và là một điều kiện để được gia nhập Đảng cộng sản, nhưng chính phủ cách mạng Cuba chưa bao giờ đóng cửa một nhà thờ hay xử bắn một vị cha cố nào cả, mặc dù có một số người phạm vào những tội nghiêm trọng chống lại cách mạng.
Trong các chuyến thăm nước ngoài, Fidel thường lưu ý bố trí thời gian gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ông hiểu rõ tầm quan trọng của bản chất tôn giáo ở các dân tộc Mỹ Latinh và ý nghĩa chiến lược của vấn đề.
Fidel rất ấn tượng về sự tham gia của những người Thiên Chúa giáo vào quá trình cách mạng Xandinit ở Nicaragua và sự xuất hiện của thuyết Thần học giải phóng, ông thay đổi quan niệm thường có ở một số nước thiên về chỉ trích và ác cảm với các hiện tượng tôn giáo.
Ông đã làm cánh tả trên thế giới ngạc nhiên khi đề cập một cách tích cực đến tôn giáo, nêu bật tinh thần giải phóng của nó trong cuộc trả lời phỏng vấn của tôi năm 1985, sau in thành tác phẩm riêng với tiêu đề: “Fidel và Tôn giáo.”
Fidel không sợ bị phê bình và không bao giờ bỏ qua việc tự phê bình. Trong nhiều trường hợp khác nhau, vào những thời điểm sống còn của cách mạng, ông đã huy động quần chúng nhân dân tự do bảy tỏ ý kiến trong chiến dịch sửa chữa những sai lầm của quá trình cách mạng.
Trong các cuộc chuyện trò riêng tư giửa ông và tôi, có lần ông bảo: "Anh không những có quyền, mà hơn thế, anh có nghĩa vụ bày tỏ nhứng ý kiến phản biện của mình đối với cách mạng."
Trong những di sản phong phú mà ông để lại cho chúng ta có một điều nổi bật nhất, đó là người ta không nên có ảo tưởng rằng có thể ngăn cản được sức tiến công của con hổ chỉ bằng việc nhổ đi những chiếc răng của nó.
Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản để thực hiện quyền thống trị thế giới và thu phục được vô số những người từng chống lại nó lớn hơn nhiều những gì mà người ta có thể nhận thấy được.
Vì vậy, những ai vẫn còn tin rằng sẽ không có tương lai nào cho nhân loại ngoài việc chia sẻ của cải và phúc lợi trên Trái Đất, cũng như những thành quả lao động của con người nên tự đặt câu hỏi, vì sao nước Mỹ từng đem quân xâm lược Iraq, Afganistan, Libya và nhiều nước khác đã không thể làm gì trước một hòn đảo nhỏ bé trước mũi mình sau thất bại ở Vịnh Con Lợn tháng 4-1961?
Câu trả lời chỉ có thể là: Ở những nơi khác, Mỹ đã lật đổ được những chính phủ, còn ở Cuba, cũng như ở Việt Nam, họ đã nỗ lực để tìm kiếm điều không bao giờ có thể làm được, đó là đánh bại một dân tộc. Kết luận rút ra là: Một dân tộc không thể bị đánh bại.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065