Tháng 6-2016, hộ bà Trần Thị Hồng có 8 người bị SXH
Về xã Minh Thành, ghé bất kỳ hộ dân nào chúng tôi đều nghe các thành viên trong gia đình chia sẻ nỗi e ngại do bệnh SXH gây ra. Người dân ở đây cho biết, khoảng 20 năm trước ở xã cũng xảy ra bệnh SXH với số người mắc đông nhưng không nhiều bằng năm nay. Chị Phạm Thị Cải (ấp 4) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người thì 3 người bị SXH. Ngày 9-7, chồng và con tôi bị SXH, hôm sau đến lượt tôi. Cả gia đình phải nằm điều trị ở bệnh viện huyện hơn 1 tuần. Sau khi khỏi bệnh, tôi sụt 6kg. Xung quanh nhà tôi, hộ nào cũng có người bị SXH”.
Chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Hồng - hộ đầu tiên bị SXH ở ấp 3. Bà Hồng kể: “Tháng 6-2016, con gái tôi đang làm việc trong Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc thì bị sốt, đau đầu nên đi khám mới biết bị SXH, sau đó cả 7 người trong nhà ai cũng bị và lây sang cả những hộ gần nhà”. Còn chị Trần Thị Lệ Thủy (ấp 4) cho biết: “Tôi vừa khỏi bệnh, xuất viện ngày 26-7. Cùng nằm điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới (TP. Hồ Chí Minh) với tôi có 6 người ở huyện Chơn Thành. Hiện nay, con gái tôi cũng mắc SXH, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng (TP. Hồ Chí Minh)”.
Ông Phạm Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Thành cho biết: Theo thống kê, gần 200 người của xã mắc bệnh SXH chưa thể phản ánh hết thực tế nơi đây, bởi có nhiều người đến cơ sở khám bệnh tư nhân hoặc đi thẳng lên tuyến trên. Gần như nhà nào cũng có người mắc SXH, từ đầu năm đến nay, nhiều người bị sốt siêu vi và SXH, trong đó tập trung nhiều ở các ấp 1 (nơi bùng phát dịch SXH đầu tiên), 3, 4.
Để khống chế số người mắc SXH, tháng 7-2016, Trung tâm Y tế dự phòng huyện phối hợp với xã phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng diện rộng 2 lần ở các ấp 1, 3, 4. Nhờ vậy, số người mắc SXH ở xã Minh Thành trong tháng 7 giảm mạnh. Nếu tháng 6 năm nay, cả huyện có 55 ca điều trị ở Bệnh viện đa khoa huyện thì Minh Thành có 35 ca (chiếm 63%); tháng 7, huyện có 124 ca, trong đó Minh Thành 34 ca (27,42%).
Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành cho biết: Trung tâm đã tổ chức phun hóa chất diệt lăng quăng ở các điểm nóng là 2 xã Minh Thành, Minh Hưng và thị trấn Chơn Thành nên đến nay bệnh SXH đang giảm dần. Tuy nhiên, để ngăn chặn bệnh bền vững, tốt nhất người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh, giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Đặc biệt, mọi nhà chủ động và tích cực diệt lăng quăng như khơi thông cống rãnh, vũng nước đọng, mắc mùng khi ngủ để phòng chống muỗi chích.
Nhật Lê
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065