Theo quy định tại nghị định này, hoạt động kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại nghị định. Nghị định số 105/2017/NĐ-CP còn quy định rõ các hành vi vi phạm bao gồm: trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mãi rượu trái quy định của pháp luật.
Ngay sau khi nghị định được ban hành đã nhận được sự đồng tình của nhân dân trong cả nước. Bởi vì hiện nay ở nước ta, tình trạng sử dụng rượu, bia tràn lan gây ra hậu quả nghiêm trọng. Rượu không chỉ là nguyên nhân gây ra 200 loại bệnh tật, mà rượu, bia còn là nguyên nhân chính gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, rượu, bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ. Chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1lít khí thở, người sử dụng rượu, bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2mg/1lít khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân và có thể tự gây tai nạn cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người tham gia giao thông khác. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), có tới 60% số ca cấp cứu liên quan tới tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Hậu quả của tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.
Trong khi đó, tình hình sản xuất rượu, bia ở Việt Nam cũng có chiều hướng tăng theo. Ước tính, tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất rượu, bia ở nước ta khoảng 15%/năm. Tại hội thảo về thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức sáng 26-9 ở Hà Nội, ông Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra những con số khiến nhiều người phải giật mình. Theo đó, lượng tiêu thụ rượu, bia đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê tính đến tháng 1-2016, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu. Đặc biệt, thống kê còn cho thấy, mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu ở trong dân. Nếu tính trung bình, 1 người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất trong 1 năm, đây là con số rất đáng báo động và Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu, bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
Nguy hiểm hơn, lạm dụng rượu, bia còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội. Theo kết quả điều tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã chỉ ra rằng, bạo lực gia đình chủ yếu xuất phát từ phía người chồng. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn nạn này, 63,7% là do việc lạm dụng rượu, bia. Bạo lực gia đình ảnh hưởng lớn đến cả tinh thần và thể chất đối với người phụ nữ, trong một số trường hợp còn dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí là tử vong. Ngoài ra, các tệ nạn xã hội khác như: Cờ bạc, nghiện ma túy, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật làm kinh tế gia đình khó khăn...
Tuy nhiên, theo khảo sát của người viết trên thị trường, hiện nay, bia, rượu được bày bán khắp nơi, từ những trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa đến những quán trà đá vỉa hè... Với mức giá phải chăng, mọi người đều có thể mua bán bia, rượu một cách dễ dàng, không bị hạn chế về số lượng, độ tuổi. Thậm chí những đứa trẻ cũng có thể mua được rượu, bia. Vì thế, nghị định đưa ra quy định cấm: Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng... được xã hội đồng thuận, nhưng để thực hiện có hiệu quả những quy định nêu trên thì không đơn giản. Chẳng lẽ đi mua rượu cũng phải mang chứng minh nhân dân để chứng minh mình là người trên 18 tuổi?
Vì vậy, dư luận cho rằng sau nghị định này, Bộ Công Thương cần sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn, đặc biệt là cần có chế tài phạt nặng những địa điểm, cơ sở kinh doanh vi phạm, như: Bán rượu không có tem, nhãn đúng quy định, rượu không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc...bán rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi... và chứng minh như thế nào về độ tuổi?
N. Quang
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065