9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới - Anh hùng giải phóng dân tộc, đã ngừng đập. Song, trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Ngày nay, Di chúc của Người là di sản vô giá của toàn dân tộc Việt Nam. Vì những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn đắt toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Bác Hồ với các cháu thiếu thi vùng cao Việt Bắc (1960)
* Di chúc của Bác nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ:
Ngày 10-5-1969, chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại toàn bộ lời mở đầu Di chúc bằng một trang viết tay. Ngay ở phần mở đầu này, Người đã khẳng định quyết tâm lớn của Người và của toàn dân tộc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là điều chắc chắn”, (Sđd, t 12, tr 509). Từ quyết tâm đó, Người đã tin tưởng chắc chắn rằng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”, (Sđd, t12, tr 511). Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ chí Minh đã khẳng định một quan điểm giành độc lập tư do của Tổ quốc là để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh. Người truyền niềm tin đó cho nhân dân qua câu thơ:
Còn non, còn nước, còn người;
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
* Lời dặn của Bác đối với Đảng, đảng viên:
Nói về Đảng là lời dặn đầu tiên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Về vấn đề đòan kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do sự đoàn kết trong Đảng đem lại. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ” mà “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, (Sđd, t 12, tr 510).
Đoàn kết là một nội dung tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Người tâm huyết căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, (Sđd, t 12, tr 510). Và để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt đảng. Đảng cầm quyền có sứ mạng lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, (sđd, t 12, tr 510).
* Di chúc của Bác đối với đoàn viên, thanh niên:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Theo Người, đoàn viên thanh niên là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước. Trải qua thực tiễn cách mạng của nước ta, Người nhận xét: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Người nhấn mạnh, thế hệ trẻ mới là người xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam. Để họ hoàn thành vai trò lịch sử của mình, Người yêu cầu: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
* Đối với nhân dân lao động:
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm đặc biệt và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân. Người nêu rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”, (Sđd, t 12, tr 511). Trong Di chúc, Người cũng đã chỉ trách nhiệm to lớn của Đảng đối với nhân dân là “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, (Sđd, t 12, tr 511).
* Đối với phong trào cộng sản thế giới:
Trước sự bất hòa đang tồn tại trong phong trào cộng sản Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất day dứt. Với trách nhiệm của người cộng sản chân chính, Người tự sự: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các Đảng anh em”, (Sđd, t 12, t 511). Đó chính là một hình thức gián tiếp Người gửi tới những người cộng sản chân chính trên thế giới về quan điểm và trách nhiệm của mình vì sự đoàn kết quốc tế của những người cộng sản. Với chủ nghĩa quốc tế trong sáng và phương pháp tư tưởng tuyệt vời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bày tỏ “lời khuyên” hay sự nhận xét đúng sai với người này, người khác, mà Người xác định trách nhiệm của Đảng ta trước sự bất hòa ấy. Trong Di chúc, Người viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và chủa nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
* Lời căn dặn của Bác về công việc sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược:
Là một nhà chiến lược thiên tài, nắm vững quy luật và cục diện của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng chắc chắn rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi. Trong thời điểm viết Di chúc, mặc dù Người khẳng định cuộc kháng chiến “còn kéo dài”, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa đến những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải làm sau khi kháng chiến thắng lợi. Và Người đã chỉ rõ công việc đầu tiên mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải ra sức làm là hàn gắn vết thương chiến tranh nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra. Theo Người, đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Người đề nghị Đảng phải “có kế họach sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.
Và để hoàn thành nhiệm vụ to lớn đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”, (Sđd, t 12, tr 503). Đồng thời Người khẳng định, “làm được như vậy, thì dù việc to lớn đến mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”, (Sđd, t 12, tr 503). Với niềm tin vào nhân dân, vào con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải quan tâm tới mọi đối tượng trong xã hội, không quên bất cứ ai. Và sự quan tâm đó đã thể hiện tình thương yêu bao là của Người với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Người đã dặn lại công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải làm đối với các đối tượng cụ thể là:
Với những cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong… là những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, thì Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể “dần dần tự lực cánh sinh”.
Với các liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: Mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm, ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Đối với cha, mẹ, vợ con của của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền đia phương và hợp tác xã phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Với những người trẻ tuổi tham gia bộ đội, thanh niên xung phong là những người được rèn luyện trong chiến đấu, có lòng dũng cảm và tương lai của họ còn dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cử họ đi học thêm các ngành, các nghề, đào tạo họ thành những người có chuyên môn giỏi, có tư tưởng tốt và lập trường vững chắc. Người cho rằng, họ sẽ là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Người còn căn dặn Đảng ta phải tiếp tục thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người đánh giá cao công lao của phụ nữ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đất nước hòa bình, cần thực hiện hai điều để tiếp tục giải phóng phụ nữ. Thứ nhất là, Đảng và Chính phủ phải có kế họach thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Thứ hai là, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Theo Người, thực hiện được hai điều này là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.
Đối với nông dân, lực lượng cách mạng đông đảo nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nông dân nước ta luôn hết sức trung thành với Đảng, Chính phủ. Trong cách mạng cũng như trong kháng chiến, nông dân ta ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Và Người đề nghị Chính phủ, sau khi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng hãy “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”, (Sđd, t 12, tr 504).
Đối với những người trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là nạn nhân của chế độ xã hội cũ. Bởi vậy, Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện.
* Di chúc của Bác nói về việc riêng:
Ở phần cuối của bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đề cập đến “việc riêng”- những nghi thức sau khi Người về với thế giới người hiền và qua đó thể hiện rõ phẩm chất đạo đức vô cùng cao quý. Người đề nghị “chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân”. Người đề nghị hỏa táng thi hài và theo Người như thế “vừa hợp vệ sinh, lại không tốn đất ruộng” và Người căn dặn: “Tro xương chôn trên một quả đồi, ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”, (Sđd, t12, tr 499). Năm 1968, Người bổ sung thêm trong Di chúc tâm nguyện của mình: “Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc, một hộp cho miền Trung, một hộp cho Miền Nam… mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó”, (Sđd, t 12, tr 502).
* Lời vĩnh biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Những dòng cuối của bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói những lời vĩnh biệt và trong đó, Người thể hiện tình yêu thương bao la và khát vọng của mình. Trước hết, Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Tiếp đó, Người “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”, (Sđd, t 12, tr 500). Cuối cùng, Người thể hiện mong muốn tột cùng và cũng là mục đích sống và mục tiêu phấn đấu suốt cuộc đời mình, đó là: “Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, (Sđd, t 12, tr 500).
Gần 40 năm qua, những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta học tập và làm theo, để xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065