Chị thích thú mở cái khạp ngắm lũ cá chen chúc quẫy đạp. Chỗ này cũng được hơn hai ký lô chứ ít gì? Lâu nay nhà chị ăn cá liên tục, hết nấu canh chua, muối sả ớt chiên rồi lại kho tiêu… Mấy đứa nhỏ lúc trước còn mê, giờ ngán lắm rồi. Chị bắt vài con mập ú cho cô Hường hàng xóm, Hường khen chồng chị giỏi, đi làm về mệt lại còn câu cá cho vợ. Chị có vẻ mãn nguyện bảo, câu cá là trò giải trí lành mạnh, vừa thư giãn, vừa tập cho người ta tính kiên trì, lại có cá ăn, đủ thứ lợi. Nói rồi chị chỉ vào cái khạp cá khoe: “Chị tính xẻ phơi làm khô, Tết nướng chấm mắm me, mấy ông nhậu mê lắm đó!”. Như chợt nhớ ra, chị bảo: “Cô nói chồng chiều cùng đi câu với ông xã chị cho vui”. Hường trề môi: “Úi trời! “ông nội” em mà chịu đi câu, ai đánh tennis giùm ổng?”. Chị chợt nghĩ, so ra chồng mình cũng còn “được” chán!
Nhớ lúc trước, vừa về đến nhà là chồng chị toòng teng trên võng, vừa đu đưa vừa lim dim nghe nhạc, không thì cũng loanh quanh với mấy chậu kiểng, mặc cho vợ một mình quay như chong chóng dưới bếp. Chị bực, nhưng lại nghĩ thà vậy còn hơn mấy ông la cà quán xá, nhậu nhẹt bê tha. Lâu nay, chẳng hiểu sao bỗng dưng chồng chị mê câu cá, chiều nào cũng vậy, đi làm về là vội vàng tắm rửa, ăn uống qua loa, xách cần câu đi liền, ghiền tới mức khuya lắc khuya lơ mới về. Mà phải công nhận, ổng “sát cá” thiệt! Bữa nào cũng được vài con.
Thấy chị lúi húi làm cá, Hường qua phụ chị một tay cho lẹ. Lũ cá con nào con nấy ú nù, sao giống thứ cá nuôi bán ngoài chợ quá? Hường thắc mắc rồi nhìn chị với vẻ nghiêm trọng: “Có khi nào ổng mua cá “ngụy trang” rồi đi câu... cái khác không hả chị?”. Chị tỉnh queo, chắc như đinh đóng cột: “Chuyện gì chứ chuyện này thì anh xã chị “ngoan” nhất đó”. Hường gật gù: “Ừa... Mà chị nói cũng phải, có vợ như chị còn hư mới là lạ!”.
Chị là nhân viên văn phòng, xinh đẹp, duyên dáng lại khéo vén trong ngoài. Ai cũng nói chồng chị tốt phước. Anh từng là kỹ sư hẳn hoi, nhưng vì công ty giải thể, phải trở thành nhân viên giao hàng cho các đại lý bánh kẹo. Anh thuộc týp người khô khan ít nói, chẳng biết ga-lăng. Đã vậy, lại ăn mặc xuề xòa, trong khi chị lúc nào cũng chỉn chu, tươm tất. Đi với chồng, chị còn cảm thấy mắc cỡ vì nhìn anh với chị cứ một trời một vực. Chị góp ý thì anh bực bội: “Có đẹp mấy thì tôi cũng chỉ là thằng chạy hàng thôi!”. Chị ủi đồ, anh không chịu: “Vẽ chuyện! Có thằng chạy hàng nào mặc đồ láng mướt đâu”. Cuối năm, chị thích sắm đồ mới cho cả nhà đón Tết với ước mong sẽ có nhiều điều mới mẻ, tốt lành. Đã chọn cho chồng được bộ đồ vừa ý nhưng rồi chị lại đặt xuống. Đã mấy lần mua đồ cho chồng lại phải đi đổi hoặc trả lại, chị ngán ngược. Liếc bộ đồ vợ mua cho mình, anh cộc lốc: “Trả cho người ta. Đồ mặc có hết đâu mà sắm, uổng!”. Chị tức lắm, nhưng lại nghĩ, chồng mà cứ láng mướt, miệng mồm dẻo quẹo thì càng mệt. Như vậy có khi lại hay, chẳng lo bị… dòm ngó!
Chị nướng mấy miếng cá lóc đã phơi được vài nắng vừa khô. Mùi thơm dậy lên nức mũi khiến mấy đứa nhỏ khoái chí: “Tuyệt… cú mèo, mẹ ơi!”. Chị nhìn chồng tươi cười: “Nhờ ba đó.”. Anh chẳng nói gì như vốn dĩ vẫn thế. Con gái phụ mẹ làm mắm me, mấy mẹ con vừa thử vừa tấm tắc: “Ngon quá! Đúng là khô “nhà mình”: tự câu, tự ướp, tự phơi nên vừa chất lượng vừa an toàn”. Thằng nhỏ vẽ vời thêm: “Sắp Tết rồi, chiều nào ba cũng rinh về mấy ký cá cho mẹ làm khô, đảm bảo Tết này mình có khô bán”. Mấy mẹ con cười thích thú, anh vẫn tỉnh rụi như người ngoài cuộc…
Chiều Chủ nhật, anh xách xe với cần câu đi sớm hơn mọi lần, bảo mẹ con cứ ăn cơm trước, anh đi với mấy thằng bạn, ăn đỡ ổ bánh mì rồi về nhà ăn sau. Chị xót ruột: “Đi câu thôi mà, chi phải khổ dữ vậy? Được ngày nghỉ nấu vài món đặc biệt cho chồng con, anh về trễ còn gì là ngon”. Nói thì nói vậy chứ anh đã làm gì thì đố cản.
Trời sập tối, mấy mẹ con ăn cơm trước. Chị nhìn mấy món chồng thích chợt thấy thương anh. Cứ lầm lũi làm, chả biết hưởng thụ gì cho bản thân. Mê gì mà mê quá vậy không biết. Ý nghĩ của chị bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại. Hường điện, bảo đang cùng đám bạn ở quán ăn Hương Quê cách nhà gần chục cây số, chị phải đến ngay. Giọng Hường nửa thảng thốt nửa bất cần như mọi khi, vì vậy chị chẳng thể từ chối.
Chị đến, vừa thoáng thấy bóng chị, Hường đã chạy ra hối hả kéo vào. Hường chỉ cho chị một bàn ăn trong góc khuất cách đó chục bước chân. Theo tay Hường, chị giật mình. Người đàn ông nhìn nghiêng đang cười sao mà y chang chồng chị? Trời! Đúng anh rồi, nhưng sao lại ngồi với một phụ nữ và một đứa nhỏ, lại thân mật thế kia? Bộ đồ cũ sờn hồi chiều đã được thay bằng bộ đồ bảnh tỏn, nhìn anh trẻ ra đến năm bảy tuổi! Đầu óc chao đảo, quay cuồng, chị lắp bắp một câu như vô nghĩa: “Gì vậy...?” rồi sụp xuống, mặt mày tái mét. Mọi người nhốn nháo mà ba người ở góc kia vẫn chẳng hay. Họ như không hề quan tâm đến xung quanh. Hường lật đật chạy vội qua chỗ ba người đang vui vẻ. Người đàn ông nhìn lên chợt sững lại vì bất ngờ: “Cô... cô...”. Hường vội kéo anh: “Anh qua coi chị sao rồi kìa!”. Anh nhìn qua thấy vợ đã rũ xuống vai mấy người lạ liền hốt hoảng chạy tới xốc chị dậy, gọi Hường: “Cô kêu taxi giùm tôi!”. Ẵm chị ra xe, anh còn nghe tiếng ai đó: "Trời! Lủ khủ lù khù vác cái lu... chạy!".
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065