Đền tan hoang vì bom đạn, “kim thân” vẫn còn
Ngày đó, ngôi đền như bức tranh đổ nát. Phần lớn tượng trong đền bị cháy rụi, số còn lại không bị bom đạn tàn phá cũng bị mục và mối ăn gần hết nằm lẩn khuất trong đống tàn tro. Thật kỳ lạ, bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo vẫn nguyên vẹn, ngồi trang nghiêm trên kiệu ở vị trí chánh điện như ngày nào. “Kim thân” của ngài vẫn còn, là niềm tin để gia đình tôi cùng nhân dân tiếp tục dựng lại đền. Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở đây đã gần 100 năm.
Ông Lê Đình Chánh, quản lý đền Đức thánh Trần Hưng Đạo ở phường Tân Phú
|
Đó là 6 câu thơ ghi trước chính điện của đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo ở tổ 6, khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú. Cũng như trong các ngôi đền thờ ông hay trong đời sống nhân dân, trong thơ ca, những lời tốt đẹp nhất về Đức thánh Trần Hưng Đạo phủ kín khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Ở đâu Đức thánh Trần Hưng Đạo cũng được thờ phụng với mong muốn được ông phò giúp quốc thái, dân an. Trong đời sống hằng ngày, người dân xem ông như chỗ dựa tinh thần ở mọi hoàn cảnh. Ở nơi biên cương của Tổ quốc, ông được nhân dân dựng đền, dựng tượng đài để những kẻ xâm lăng thấy hình bóng ông phải khiếp sợ... Bởi ông là người chỉ huy chính của nhà Trần 3 lần đánh tan cuộc xâm lược của quân Mông - Nguyên, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Vó ngựa của đội quân “giặc trời” này đã làm cỏ gần hết cả châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIII nhưng phải cúi đầu trước dân tộc Việt Nam và trước tài năng, phẩm giá của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn - Trần Hưng Đạo. Với dân tộc Việt Nam, ông được phong thánh, với thế giới, ông được Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh vinh danh là một trong 10 vị tướng tài năng nhất trong lịch sử nhân loại tính đến hết thế kỷ XX.
Ở Bình Phước, đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo ở phường Tân Phú hiện nay được lập ra phục vụ tín ngưỡng của nhân dân, dân phu đồn điền cao su dưới thời kháng chiến chống Pháp. Đến Bình Phước năm 1929, cụ Lê Văn Tùng quê xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình dẫn theo con trai đầu Lê Đình Kiển vào làm công tra cao su ở huyện Đồng Phú (cũ). Năm 1936, đời sống người dân, dân phu đồn điền cao su gặp nhiều khó khăn, chiến tranh chống Pháp ở chiến trường Bình Phước ngày càng khốc liệt. Để người dân có chỗ dựa về mặt tâm linh, giúp tâm hồn được an yên, cụ Lê Văn Tùng đã lập đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú.
Ông Lê Đình Chánh - cháu nội cụ Lê Văn Tùng, quản lý đền hiện nay cho biết: “Thời đó, ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc các ngôi đền ở phía Bắc, gồm 3 gian chính và nhiều gian phụ, 8 trụ chính của ngôi đền làm bằng gỗ đường kính 50cm, mái lợp tranh, vách bằng tre nứa. Từ khi thành lập, mỗi dịp lễ lớn, ngày rằm và ngày húy kỵ hằng năm, đền là nơi kết nối tâm linh của người dân với Đức thánh Trần Hưng Đạo. Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đền bị bom đạn dội xuống phá hủy tan hoang, ông nội tôi cũng mất, nhân dân trong vùng di tản đi nơi khác. Ngôi đền với không khí ấm cúng, rộn ràng ngày nào bị bỏ hoang trong suốt 2 năm”.
Truyền nhân thứ 3
Gần 1 thế kỷ với bao thăng trầm nhưng nhìn lại chỉ thoảng qua như làn khói hương. Gắn với đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, gia đình ông Chánh đã có 3 đời chăm sóc. Đến đời ông Chánh cũng đã làm được 20 năm. Sau trận đánh năm 1968, cụ Tùng mất, nhiệm vụ chăm sóc ngôi đền truyền cho con trai đầu Lê Đình Kiển. Năm 1970, ông Lê Đình Kiển đã xin giấy phép của chính quyền dời đền về xây dựng gần ngã tư Đồng Xoài để tiện lễ cúng, chăm sóc. Từ giai đoạn 1970-1997, phần vì ảnh hưởng của chiến tranh, phần vì cuộc sống gia đình, ngôi đền trải qua 4 lần di dời.
Năm 1975, đất nước giải phóng, đền được an vị tại tổ 6, khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú ngày nay. Trước khi qua đời, cụ Kiển giao trách nhiệm trông coi ngôi đền cho người con trai út là ông Lê Đình Chánh. Kể lại những ngày rước Đức thánh Trần Hưng Đạo về địa điểm mới, ông Chánh vẫn không quên được cảm xúc vừa mừng vừa xót xa. Mừng vì trong khung cảnh tan hoang, bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo vẫn ngồi nghiêm trang trên kiệu vàng, sau những trận mưa bom, làn đạn mà không 1 vết trầy xước; xót xa vì nơi thiêng liêng trước đó đã trở thành hoang phế.
“Thời đó nơi đây hẻo lánh, vẫn còn rừng rậm bao quanh, người dân khai hoang làm rẫy nhưng được vị thế đất đẹp nên cha tôi chọn làm vị trí dựng lại đền để người dân có nơi thắp hương, lễ bái theo tín ngưỡng dân gian. Lúc tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc, ngôi đền vẫn còn tranh, tre, nứa. Tuy đền đơn sơ nhưng được bà con tin tưởng, hương khói thường xuyên, chung tay cùng gia đình phục dựng đền ngày càng khang trang hơn” - ông Chánh kể.
Ngày nay, đền được người dân biết đến rộng rãi, nhân dân nhiều nơi về lễ cúng ngày càng đông. Đền có tổng diện tích trên 140m2, chia ra nhiều khu vực: chánh điện, hậu điện, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ có công với Tổ quốc, hội trường phục vụ khách... dịp lễ, tết, ngày húy kỵ. Trong đền có hàng chục pho tượng lớn nhỏ, trong đó quý nhất là bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. “Với mong muốn góp phần làm phong phú thêm văn hóa tâm linh cũng như làm tròn bổn phận với tổ tiên, tôi đã tích góp được khoảng 800 triệu đồng, đang làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, mở rộng diện tích để người dân đến lễ, thắp hương có không gian thoáng mát, khang trang hơn” - ông Chánh cho biết thêm.
Đậm đà tín ngưỡng dân gian
Dân gian có câu “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” để nói đến 2 lễ hội lớn trong năm về 2 vị thánh: Đức thánh Trần Hưng Đạo và Đức thánh mẫu Liễu Hạnh. Hằng năm, vào ngày 20-8 âm lịch, đền tổ chức tưởng niệm ngày húy kỵ Đức thánh Trần Hưng Đạo, người dân trong và ngoài tỉnh về tham gia rất đông. Đó cũng là dịp người dân tin tưởng cầu Đức thánh Trần Hưng Đạo ban cho sức khỏe, công danh, sự nghiệp và bình an trong cuộc sống.
Chị Vũ Thị Hoài Thương ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú cho biết: “Không đợi đến ngày húy kỵ của ngài, vào dịp lễ, ngày rằm hằng tháng hoặc khi gặp khó khăn trong cuộc sống tôi đều đến đền thắp hương, lễ bái cầu xin để cuộc sống được bình an, may mắn. Sau mỗi lần hành lễ, cầu xin, tôi cảm giác lấy lại được cân bằng trong cuộc sống như vừa có người cùng san sẻ khó khăn, đau khổ với mình”.
Gần 1 thế kỷ, đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Bình Phước trở thành điểm lưu giữ phong tục, tập quán có từ lâu đời, từng hun đúc nên sức mạnh của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đền còn là nền tảng rèn luyện đạo đức trong ứng xử giữa người với người, thể hiện sự kính trọng với những người có công với dân, với nước. Qua năm tháng thăng trầm cùng lịch sử và phát triển của tỉnh, đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của tín ngưỡng dân gian thuần Việt trên mảnh đất Bình Phước. Tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo tạo nên sự đa dạng của đời sống văn hóa tâm linh, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Bình Phước.
Ngôi đền ở khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú là ngôi đền đầu tiên được tạo lập trong số 10 đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo trên địa bàn Bình Phước hiện nay. Đền được vinh danh trong chương trình “Top 100 điểm đến du lịch văn hóa tâm linh được yêu thích” năm 2016 do một số cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Do tất cả đều tự lập, xây dựng từ một dòng họ nên các đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo trên địa bàn tỉnh có quy mô tầm trung nhưng cơ bản đã được tạo dựng khang trang từ nguồn kinh phí khác nhau. Các đền thờ đều là điểm đến thu hút rất đông người dân đến thăm, lễ bái thường xuyên. |
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065