BP - Phải khẳng định ngay rằng, với người Thái Lan, đó là nếp sinh hoạt, ăn uống, vui chơi... hằng ngày rất đỗi quen thuộc nhưng với du khách nước ngoài, đặc biệt Việt Nam thì lại rất lạ lẫm, thậm chí có thể xem là trái ngược. Từ sự ngỡ ngàng ban đầu khi được chứng kiến, trải nghiệm trên đất nước Chùa Vàng, không ít lần chúng tôi “mắt tròn mắt dẹt” như vừa phát hiện ra điều gì đó rất lạ, cảm giác “có gì sai sai ở đây?”. Tuy nhiên, điều đó không đem lại khó chịu mà chỉ càng thêm ấn tượng và khó quên sau một chuyến du lịch.
MÓN TRÁNG MIỆNG KÈM “ỚT TRỘN ĐƯỜNG”
Xuống sân bay Bangkok khoảng 10 giờ 30 phút, sau khi làm thủ tục nhập cảnh và nhận lại hành lý, đoàn chúng tôi được đưa tới nhà hàng ngay tại sân bay. Mỗi người được phát một sấp carton xanh, đỏ ghi trị giá tiền (như thời trẻ con chơi đồ hàng) để tự chọn món ăn. Đồ ăn ở đây khá phong phú và phân theo loại ở mỗi gian hàng, trưng bày rất bắt mắt. Háo hức chọn món nhưng khi thưởng thức, không mấy ai cảm thấy ngon miệng vì các món đều được nêm “ngọt như chè”. Chọn món bưởi tráng miệng, chúng tôi cũng “tròn mắt” khi mở gói gia vị chấm bưởi là đường trộn ớt. Bé Phương Minh trong đoàn nhanh chân mua một gói bắp (ở Việt Nam vẫn mặc định là bắp rang bơ ngọt) nhưng khi mọi người cùng thưởng thức thì ai cũng “té ngửa” vì bắp trộn muối, không hợp khẩu vị nên... rất khó nuốt!
Ôtô là phương tiện di chuyển chủ yếu nhưng Thái Lan không tắc đường vì hạ tầng giao thông tốt và người dân luôn tự giác tuân thủ luật
Nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn ăn chè Thái thì anh Hải, hướng dẫn viên của đoàn khẳng định: “Cô, bác, anh, chị đoàn mình muốn ăn lẩu Thái, chè Thái thì Hải chịu thua vì đi khắp 77 tỉnh, thành trên đất Thái không hề có lẩu Thái, chè Thái mà đất nước Việt Nam từng phổ biến... Ở Việt Nam mình tự chế ra rồi đặt tên thôi”. Có lẽ vì người Thái hảo ớt nên người Việt thấy món gì quá cay... liền quy ra món Thái! Qua đó, anh giới thiệu nhiều món khác hấp dẫn làm chúng tôi thêm háo hức.
Di chuyển về Pattaya, ngắm đường phố chủ yếu là các đoàn xe ôtô nối nhau, cảm giác “ngược ngược” rất khó tả. Sau đó, tôi mới lý giải được khi nhận ra người Thái đi bên trái. Nghe qua sách vở, nước Thái cũng như nhiều nước Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Anh... giao thông đi theo quy tắc bên trái và chính xác thì hiện có tổng 76 quốc gia và lãnh thổ áp dụng quy tắc giao thông bên trái. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến thì cảm giác rất khác... không như những gì mình đã nghĩ trước đó. Nhất là khi thay đổi thói quen đi bên phải để hòa vào dòng người đi ngắm cảnh về đêm mới thấy không dễ chút nào.
NGHÈO ĐI TAXI, GIÀU MỚI ĐI XE ÔM
Đang còn xuýt xoa khi thấy người Thái chủ yếu di chuyển bằng ôtô, anh Hải khẳng định một câu chắc nịch: “Ở Thái, người giàu mới được đi xe ôm, còn người nghèo đi taxi (vì giá cả)”. Muốn được cấp phép hành nghề xe ôm phải mất 2.000 USD. Ngỡ ngàng đến khó tin còn ở chỗ, xe ôm là nghề “cha truyền con nối”. Khác với Việt Nam, hầu hết những người có hoàn cảnh khó khăn mới hành nghề xe ôm, cha chạy xe ôm chỉ vì muốn con thoát nghèo chứ ai mong truyền nghề cho con. “Đi xe ôm ở đây rất lạ nha các anh chị. Khi mình đến nơi, hẹn xe ôm chờ chút để quay ra cùng về, dù chỉ vài phút họ cũng không bao giờ chờ. Bởi khu vực nào người xe ôm đó chạy, không giành giật khách của nhau” - anh Hải chia sẻ.
Người Việt nếu có tiền sẽ tìm mua đất ở vị trí đẹp, càng gần trung tâm thành phố càng tốt thì ở Thái ngược lại. Rất hiếm người Thái mua đất nội thành Bangkok. Họ chỉ thuê nhà để ở và làm việc, tùy theo tiện nghi, chất lượng nhà với giá từ 5,5-38 ngàn bath/tháng. Cuối tuần, những người làm việc ở thành phố Bangkok về nhà ở vùng ven, xa trung tâm, rộng rãi, tiện nghi để nghỉ dưỡng, hít thở không khí trong lành...
Nếu người Việt đi lại chủ đạo bằng xe máy thì người Thái lại rất hiếm. Phương tiện lưu thông chủ yếu của họ là ôtô. Đi qua các khu phố, nhà nào cũng 1-2 ôtô trước sân. Để phù hợp với phương tiện này, Chính phủ Thái Lan đã cho xây dựng 2-3 làn đường cao tốc trên cao, mỗi con đường cũng đều có thêm khu vực đỗ xe. Đường dành cho người đi bộ được khu biệt rõ ràng nên không gây ra ùn tắc mà người đi ôtô, xe máy cũng không phải ám ảnh nỗi lo người đi bộ... bất thần lao ra đường. Đặc biệt, còi xe dường như rất hiếm được người Thái Lan sử dụng. Suốt 5 ngày trên đất Thái, tôi chỉ “may mắn” được nghe một lần...
Thái Lan có tới 95% số dân theo đạo Phật. Đời sống mỗi người dân Thái gắn với đạo Phật kể từ khi ra đời đến lúc “nhắm mắt xuôi tay” nên giáo lý nhà Phật đã thấm đẫm trong sinh hoạt hằng ngày, nếp sống, suy nghĩ mỗi người. Vì thế, hầu hết cách sống của người dân nơi đây rất chậm rãi và thân thiện... Chứng kiến rồi cảm phục nên không ít lần, du khách trong đoàn đã phải trầm trồ khen cách sống, sinh hoạt của người dân Thái Lan để rồi... “tự kiểm điểm” bản thân. “Đi một ngày đàng...” và ai cũng nhận thấy, trong cuộc sống gấp gáp thời hiện đại nên một lần đến Thái Lan... để học được cách “sống chậm”. Khi biết sống chậm hơn người ta cũng thấy lòng mình cởi mở, dành cho nhau tình cảm nhiều hơn và còn biết dành chút thời gian để trân quý bản thân, thưởng thức cuộc sống tươi đẹp. Bởi không ít người đôi khi bị cuốn vào lối sống gấp gáp, vội vã đã không kịp nhận ra... có lúc cũng cần phải có khoảng lặng cho riêng mình.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065