Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh ngành Nông học, anh Thái là một trong 6 sinh viên của cả nước được nhận học bổng du học tại Israel - đất nước được xem là điển hình nông nghiệp của thế giới.
“CHIM ĐẬU ĐẤT LÀNH”
“Khi vừa đặt chân đến Israel, tôi đã choáng ngợp trước những nông trang hiện đại, quy trình đồng bộ, chặt chẽ. Mỗi ngày, thời gian ở nông trại gần 12 tiếng đồng hồ để hoàn thành việc chăm sóc, thu hoạch, đóng gói sản phẩm. Công việc nhiều áp lực nhưng bù lại những kiến thức mà tôi thu thập được hoàn toàn từ thực tế, khác hẳn với những gì đã học ở giảng đường. Giáo viên truyền đạt kiến thức bằng thực tiễn trong sản xuất, 70% môn học thực hành ngay tại nông trại. 2 năm học tập, trải nghiệm tại đây là khoảng thời gian quý giá làm nông dân thực thụ” - anh Thái chia sẻ.
Anh Lê Thành Thái đang liên kết 10 hộ trồng dưa lưới với tổng diện tích 3 ha, áp dụng một quy trình sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón lá cũng như các loại phân, thuốc hóa học
Sau khi về nước, anh Thái có 6 năm làm kỹ sư tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Với lợi thế được đào tạo bài bản, tiếp cận với công nghệ mới của nền nông nghiệp hiện đại nên năm 2012 anh quyết định bỏ việc ở thành phố để về quê khởi nghiệp. Anh chọn Bình Phước phát triển dưa lưới công nghệ cao. Anh cho rằng, Lộc Ninh là nơi hội tụ những điều kiện thích hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, nắng, gió rất đặc trưng để phát triển loại cây ăn trái này.
Chi phí để xây dựng 1.000m2 nhà kính hết 150 triệu đồng. Sở dĩ tiền đầu tư chỉ bằng một nửa so với các mô hình nhà kính trên thị trường vì anh tự mày mò nghiên cứu, tự mua vật liệu về thiết kế. Hệ thống tưới nhỏ giọt, anh Thái học theo phương pháp của Israel và tự chế hệ thống tưới nước kết hợp bón phân thông minh cho vườn dưa với chi phí 3 triệu đồng. Dựa vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Lộc Ninh, anh tự nghiên cứu đưa ra quy trình, tỷ lệ phân bón thích hợp cho dưa lưới phát triển.
Thành công từ những lứa dưa đầu tiên là động lực để anh tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay anh Thái có 1,5 ha dưa lưới. Giống dưa lưới anh lựa chọn đầu tư là TL3. Đây là giống dưa do Việt Nam lai tạo, có sức sống mạnh, dễ trồng, kháng bệnh, lưới nổi dày, vỏ quả cứng nên bảo quản được lâu sau thu hoạch. “Tôi từng ăn nhiều loại dưa ở nhiều vùng khác nhau nhưng dưa lưới trồng ở vùng này có sự khác biệt ít nơi nào có được, thịt thơm mịn, giòn, ngọt do nắng nhiều kết hợp với chế độ chăm sóc, công thức phân bón, quy trình tưới nước phù hợp. Dưa đẹp là trái phải cân đối, không dị dạng, bề mặt vỏ phủ lưới đều” - anh Thái cho biết.
Theo anh Thái, trồng dưa lưới trong nhà kính đỡ cực khâu chăm sóc nhưng không vì thế mà giao phó hết cho công nghệ. Dưa lưới không có khả năng chống chọi sâu bệnh cao nên dù được trồng trong nhà kính vẫn phải theo dõi địch hại thường xuyên, đặc biệt là bọ trĩ. Ở vùng này nắng nhiều nên dưa cần tưới 20 lần/ngày, hệ thống tưới nước tự động cứ nửa tiếng đồng hồ bật tưới 1 lần vì 1 cây cần 2-3 lít nước/ngày, tùy giai đoạn cho trái. Mỗi ngày, anh thuê thêm nhân công thăm vườn để chăm sóc, tỉa lá, cắt đọt giúp cây tập trung nuôi trái. Khi đậu trái thì mỗi cây lựa chọn 1 trái đạt yêu cầu để lại, các trái còn lại cắt bỏ, kết hợp cắt chồi, tỉa lá gốc tạo sự thông thoáng, sau đó bón giảm lượng đạm, tăng lượng kali, canxi. Khi trái khoảng 40 ngày thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái, trái đạt trọng lượng từ 1,4-2kg thì thu hoạch.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp
Trong giai đoạn giá nông sản xuống thấp, mất mùa do dịch bệnh thì dưa lưới đang là bài toán chuyển đổi cây trồng hợp lý cho những hộ ít đất. Anh Thái cho rằng, cái lợi của trồng dưa lưới trong nhà kính là trồng từ 3-4 vụ/năm. Cứ 1.000m2 đạt từ 2,5-3 tấn/vụ, lãi khoảng 60 triệu đồng/vụ. So với cây điều, hồ tiêu thì dưa lưới có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Vườn dưa trồng theo công nghệ cao với giá đầu tư thấp của anh đang kích thích sự khám phá của nhiều người. Hiện đã có 10 hộ trên địa bàn huyện Lộc Ninh liên kết cùng anh Thái trồng dưa lưới trong nhà kính với tổng diện tích 3 ha.
Có 100kg nông sản bán ra thị trường sẽ bị thương lái ép giá nhưng nếu có cả ngàn tấn thì không thể. Chúng tôi liên kết với nhau cùng huớng đến mục tiêu đáp ứng lượng hàng lớn, liên tục và không để thương lái ép giá. Bước vào hội nhập, nông dân không chỉ phải thay đổi thói quen sản xuất, mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy làm nông chuyên nghiệp. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, thì ngay cả khi thị trường gặp khó, nông sản của mình vẫn được thương lái bao tiêu. Nhờ vậy, giá dưa lưới trên thị trường nhỏ lẻ hiện chỉ dao động từ 30-35 ngàn đồng/kg, còn sản phẩm của tôi vẫn ở mức 38-40 ngàn đồng/kg. Anh Lê Thành Thái, tổ 13, ấp 1, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh |
Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh Thái xây dựng mô hình và cân bằng chi phí đầu tư ban đầu tùy theo điều kiện của từng gia đình. Để giảm chi phí đầu vào, anh giúp đỡ các hộ trồng dưa xây dựng nhà màng đạt tiêu chuẩn; chuyển giao khoa học - kỹ thuật miễn phí cho các hộ có nhu cầu và theo sát trong 2-3 lứa đầu... Theo anh Thái, chi phí đầu tư ban đầu ít, người trồng dưa sẽ nhanh lấy lại vốn.
Dư địa thị trường dưa lưới đang còn rất nhiều tiềm năng, đầu ra ổn định. Nhiều nhà vườn đã có hợp đồng đầu ra ngay từ khi xuống giống với giá 40 ngàn đồng/kg. Anh Thái cho biết, để chất lượng trái ngon, an toàn, các hộ trồng dưa ở đây áp dụng chung một quy trình sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón lá cũng như các loại phân, thuốc hóa học. Cho dù có dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh vẫn tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly. Sản phẩm sau thu hoạch luôn được kiểm tra mẫu để đảm bảo đạt chuẩn an toàn. Các hộ trồng dưa đều trang bị dụng cụ thử các chỉ số về độ nước, độ ngọt của dưa trước khi xuất bán cho đối tác. Việc đảm bảo đủ số lượng gắn liền với chất lượng đạt chuẩn an toàn đã giúp dưa lưới trồng trên đất Lộc Ninh tìm được chỗ đứng ổn định trên thương trường.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cho biết: Việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ cây ăn trái nói chung và dưa lưới nói riêng trên địa bàn tỉnh đang có sự khởi đầu rất khả quan, mang lại thu nhập tốt và đầu ra ổn định sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là trong bối cảnh hồ tiêu bị dịch bệnh, rớt giá. Toàn tỉnh hiện đã có 3 mặt hàng nông sản gồm: mít, sầu riêng, chuối được cấp mã vùng và trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp được đầu tư ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra các mặt hàng nông sản sạch theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, dễ cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Đây cũng là hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh trong hiện tại và cả tương lai.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065