Thực hiện lời kêu gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc đóng góp ý kiến cho bản dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, tôi xin trình bày một số ý kiến và kiến nghị như sau:
Vấn đề thứ nhất: Cần đặt ra một số mục tiêu có tính khả thi.
Tôi nhận thấy rằng, trong dư luận hiện nay, trước các đề án đổi mới, một mặt, người dân không hài lòng với tình hình hiện tại, không ít người lên tiếng phê phán, chỉ trích, nhưng mặt khác, người dân lại thiếu niềm tin vào cơ quan quản lý chủ trì đề án. Không ít người cho rằng các đề án đổi mới chỉ là cách cơ quan quản lý “vẽ việc tiêu tiền”, vì lợi ích nhóm, còn hiệu quả thu được thì đáng nghi ngờ. Do vậy, việc đặt ra một số mục tiêu đổi mới giáo dục cụ thể đủ lớn và có tính khả thi là hết sức cần thiết để giải quyết mâu thuẫn này, tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Theo tôi, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của lần đổi mới giáo dục này là giải quyết những yếu kém, nhược điểm của "con người Việt Nam điển hình" đã và đang cản trở khả năng phát triển của mỗi cá nhân và đất nước như: Hiểu biết luật pháp quốc gia và quốc tế hạn chế; sống và làm việc cảm tính, duy tình hơn duy lý, dễ dãi, xuề xòa, tính kỷ luật thấp, làm cho việc xây dựng xã hội văn minh và pháp quyền khó khăn. Khả năng sáng tạo công nghệ và làm công nghiệp kém. Ngoại ngữ (tiếng Anh) kém. Mặc dù tiếng Anh được dạy trong suốt nhiều năm phổ thông và đại học nhưng trên thực tế, mặt bằng trình độ tiếng Anh của người Việt Nam vẫn rất thấp so với khu vực.
Tôi tin rằng, nếu Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để giải quyết được ba yếu kém, nhược điểm trên sẽ có sức thuyết phục rất lớn đối với người dân. Họ sẽ ủng hộ việc đổi mới.
Sơ đồ Giáo dục Việt Nam theo tác giả đề xuất. |
Vấn đề thứ hai: Thiếu tham chiếu và chưa ứng dụng "Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục" của UNESCO (ISCED), làm cho Chương trình giáo dục phổ thông chưa tương thích cao với các hệ thống giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Trong bộ tài liệu của Bộ GD-ĐT, tôi không tìm thấy bất kỳ tham chiếu nào đến “Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục” (ISCED, các phiên bản năm 1997 và 2011) của UNESCO, chưa thấy các nội dung của ISCED được ứng dụng vào chương trình này.
Tôi cho rằng đây là một khiếm khuyết lớn. Qua nghiên cứu ISCED và một số nền giáo dục tiên tiến như: Anh, Mỹ, Phần Lan, Xin-ga-po…, tôi cho rằng ISCED là một bộ tài liệu hướng dẫn, một “bộ khung” vô cùng quan trọng cho việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc gia. ISCED nêu rõ kết cấu các bậc học (6 bậc học theo ISCED 1997, 8 bậc học theo ISCED 2011), các tiêu chuẩn đầu vào, các mục tiêu đầu ra của mỗi bậc học, cách phân luồng học sinh trong các bậc học để học sinh phát huy tối đa các tố chất, năng khiếu, nhu cầu hướng nghiệp của cá nhân. Đồng thời, việc đánh giá, xếp hạng giáo dục của các quốc gia cũng tham chiếu và dựa trên ISCED.
Nếu Bộ GD-ĐT không lấy ISCED làm xuất phát điểm quan trọng cho việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mà lại nghiên cứu ngay vào các hệ thống giáo dục của các nước cụ thể, tôi e rằng với cách làm đó rất khó có thể tạo ra được một hệ thống giáo dục khoa học, với các liên kết nội dung chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Nó chứa đựng nhiều nguy cơ “chắp vá” như các lần đổi mới giáo dục trước.
Tôi đề nghị lấy ISCED 2011 làm “bộ khung” để bảo đảm tính tương thích cao nhất của chương trình giáo dục phổ thông nước ta với các tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận. Điều này tạo các cơ hội liên thông giáo dục-đào tạo giữa nước ta và các nước khác, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam khi đi du học nước ngoài, vừa tăng cơ hội cung cấp dịch vụ giáo dục-đào tạo cho học sinh nước ngoài ở Việt Nam trong tương lai (như Xin-ga-po đã và đang làm).
Vấn đề thứ ba: Kết cấu, mô hình hệ thống giáo dục thiếu rõ ràng; yếu tố phân luồng, phương pháp phân luồng giáo dục còn mờ nhạt.
Khi đọc tài liệu của Bộ GD-ĐT, mặc dù theo dự thảo thì tôi biết ở lớp nào học sinh sẽ học những môn gì, bao nhiêu tiết, nhưng tôi không vẽ ra được sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục theo chương trình mới. Đồng thời, tôi không tìm thấy chủ trương, phương pháp phân luồng giáo dục ngay từ cấp trung học cơ sở theo khuyến cáo của ISCED và được áp dụng tại rất nhiều nước (theo hai hướng Lý thuyết/Hàn lâm và Kỹ thuật/Ứng dụng). Phân luồng giáo dục ngay từ cấp trung học cơ sở (ISCED 2) là một nội dung quan trọng, có thể coi là lớn nhất, mà tôi cho rằng cần phải thực hiện trong lần đổi mới giáo dục này (nếu không thì kết quả của việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông sẽ rất hạn chế).
Tôi xin mạnh dạn đề xuất sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục tương thích với ISCED 2011 bao gồm:
Cấp tiểu học có độ dài 6 năm (tăng 1 năm so với dự thảo Chương trình của Bộ GD-ĐT). Khi phân luồng giáo dục ngay từ đầu cấp trung học cơ sở, nên thêm 1 năm tiểu học để học sinh trưởng thành hơn về trí tuệ và thể lực; các tố chất, năng khiếu cá nhân cũng được bộc lộ rõ ràng hơn, sẵn sàng hơn cho việc chọn luồng. Rất nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới có độ dài tiểu học 6 năm: Anh, Mỹ, Úc, Đức, Phần Lan, Xin-ga-po… (cấp Tiểu học ở Pháp là 5 năm, cũng có thể đây là lý do tại sao lâu nay Việt Nam chọn 5 năm).
Cấp trung học cơ sở có độ dài 3 năm (giảm 1 năm so với dự thảo chương trình của Bộ GD-ĐT), chia ra hai luồng: Lý thuyết/Hàn lâm và Kỹ thuật/Ứng dụng. Giữa hai luồng này có sự liên thông (có bước kiểm tra, đánh giá) để học sinh có thể chuyển từ luồng này sang luồng khác do nhu cầu, nguyện vọng cá nhân trong quá trình học.
Cấp trung học phổ thông có độ dài 3 năm (như dự thảo chương trình của Bộ GD-ĐT), chia làm ba luồng: Lý thuyết/Hàn lâm, Kỹ thuật/Ứng dụng và Học nghề (dành cho những học sinh không đạt điều kiện, hoặc không có nhu cầu học lên tiếp).
Bổ sung cấp dự bị đại học (ở các nước khác gọi là A-Level School, Junior College…) tương thích với ISCED 5, với độ dài 2 năm. Thời gian học đại học còn 3-4 năm (tùy trường, ngành học).
Sau khi học sinh kết thúc trung học phổ thông, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và căn cứ vào kết quả của kỳ thi này để phân luồng học sinh vào các trường dự bị đại học, cao đẳng, số học sinh không đủ điều kiện vào các trường này sẽ quay lại học trung cấp, hoặc ra thẳng thị trường lao động.
Sau khi học sinh học 2 năm dự bị đại học, tổ chức kỳ thi đại học để chọn học sinh đạt tiêu chuẩn vào các trường đại học. Các học sinh không đạt điều kiện sẽ chuyển sang các luồng khác (hoặc ra thẳng thị trường lao động với các cơ hội tuyển dụng hạn chế; phần lớn số học sinh này sẽ học thêm một chương trình đào tạo bổ sung).
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065