Những triệu chứng ban đầu như tê bì tay chân, đi lại đau nhức, càng về sau mức độ đau nhức tăng dần, rồi tím lạnh và hoại tử. Đây là triệu chứng của bệnh do tắc nghẽn mạch máu gây nên, nếu không kịp thời chữa trị, các phần chết trên cơ thể phải bị cắt bỏ.
Khi đi khám thường đã muộn
Anh Lê Văn Được (43 tuổi, quê ở Khánh Hòa) đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, anh làm nghề đánh bắt cá, khoảng 3 năm trước anh nhận thấy chân mình bị đau nhức, rồi mức độ đau nhức ngày một tăng dần nhưng anh vẫn cố chịu đựng. Cách đây hơn 2 tháng, chân bắt đầu lở loét. Cứ nghĩ là bệnh thông thường nên anh mua thuốc về xức, nhưng càng xức vết loét càng lớn. Anh phải nhập viện để điều trị. Tại đây anh được bác sĩ chẩn đoán mạch máu ở chân bị tắc, máu không đến được bàn chân nên hoại tử. Bệnh viện đang tiến hành các bước xét nghiệm để xem có thể can thiệp cứu được bàn chân hay không. Ở trường hợp của anh Được, yếu tố nguy cơ đẩy nhanh tiến trình bệnh là do anh hút thuốc từ năm 16 tuổi đến nay.
Còn trường hợp của ông Nguyễn Văn Rang (58 tuổi, TPHCM), cổ chân bị loét khoảng 20cm. Người đi đường thường thấy ông ngồi ăn xin tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Lý Thường Kiệt. Ông Rang cho biết, cách đây khoảng 7 năm, ông bị đèn màn hình tivi rớt trúng cổ chân, vết thương ban đầu chỉ là vết cắt nhỏ, nhưng càng về sau vết thương càng lớn dần. Trong một đợt thành phố có chiến dịch tập trung người vô gia cư, ông được chuyển vào bệnh viện để chữa trị.
Các bác sĩ khám và cho biết, một chân của ông đã bị "chết" do mạch máu bị tắc lâu ngày. Trong đó yếu tố nguy cơ đẩy nhanh tiến trình bệnh là do ông hút thuốc nhiều năm. Nếu bây giờ thực hiện phẫu thuật tháo khớp chân chỉ làm cho vết thương của ông càng lớn hơn.
Tại các khoa chuyên trị bệnh do tắc nghẽn mạch máu ở Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ cho biết, những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này điều phải chịu đau nhức. Có bệnh nhân không thể nằm được, phải đứng suốt đêm. Bởi vì khi nằm áp lực máu không đủ lớn để dồn xuống chân, chân bị thiếu máu gây nên đau đớn. Có nhiều bệnh nhân khi được chuyển đến bệnh viện khi bệnh đã rất nặng. Trong đó có nguyên nhân là do bệnh nhân cố gắng chịu đựng những cơn đau khi bệnh bắt đầu bộc phát; hoặc đi khám tại những những bệnh viện không đúng chuyên khoa rồi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ những phần hoại tử. Cách điều trị này chỉ làm cho vết thương ngày càng lớn hơn vì không chữa tận gốc của bệnh là do mạch máu bị tắc nghẽn và điều trị những yếu tố nguy cơ đẩy nhanh tiến trình bệnh.
Điều trị muộn dễ mất chi hoặc tử vong
Bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược cho biết, ở các nước có nền y học phát triển, Khoa Phẫu thuật Mạch máu chuyên sâu được phát triển rải điều ở khắp các bệnh viện trên toàn quốc, nên việc tầm soát ban đầu tốt, phát hiện bệnh ngay từ đầu. Còn ở nước ta Khoa Phẫu thuật Mạch máu chuyên sâu mới phát triển nên người dân chưa biết nhiều về căn bệnh này.
Bàn chân trước và sau khi được phẩu thuật thông mạch máu.
TS. Bác sĩ Phạm Minh Ánh, Trưởng Khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy thống kê, trong năm 2015 có khoảng 10.000 bệnh nhân đến khám liên quan đến bệnh do tắc nghẽn mạch máu, trong đó có khoảng 2.000 ca điều trị bệnh tắc nghẽn mạn tính động mạch chi dưới còn gọi là thiếu máu chân mạn tính. Bệnh gây mất chức năng đi đứng của bệnh nhân.
“Ở nước ta, đây là con số rất nhỏ trong tổng số người bệnh liên quan tới căn bệnh này, bởi theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì số người trên 60 tuổi mắc bệnh này chiếm từ 15% đến 20%” - bác sĩ Ánh nhận xét.
Nói về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này Bác sĩ Thanh Phong cho biết, hẹp và tắc nghẽn động mạch chi dưới do các mảng xơ vữa là nguyên nhân chính. Khi tắc động mạch, lượng máu đến nuôi chân giảm đi, gây nên tình trạng thiếu máu nuôi chân ở các mức độ khác nhau. Những người dễ mắc bệnh này là do hút thuốc lá, người lớn tuổi, có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Biểu hiện của bệnh này diễn ra trong bốn giai đoạn. Giai đoạn 1 thường không có triệu chứng. Giai đoạn 2 có triệu chứng đau cách hồi, đây là hiện tượng đau xuất hiện ở cẳng chân hoặc ở mông khi bệnh nhân đi được một đoạn đường, do đau nên bệnh nhân phải đứng lại nghỉ vài phút mới có thể đi tiếp được. Đoạn đường bệnh nhân đi xuất hiện tình trạng đau, ngắn hay dài tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Nếu đoạn đường đi được nhỏ hơn 200m thì được gọi là đau cách hồi nặng. Ở giai đoạn 3 có biểu hiện đau liên tục kể cả lúc không đi, đau về đêm, trời lạnh, đau nhiều ở các ngón chân và bàn chân. Bước sang giai đoạn 4, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng nhất. Lúc này, các ngón chân hoặc bàn chân sẽ hoại tử, hoặc trở nên khô quắp không lành được. Ở giai đoạn này nguy cơ phải cắt cụt chi là rất cao nếu không điều trị kịp thời.
Ngoài nguy cơ phải cắt cụt chân do hoại tử khi động mạch chi dưới bị tắc, tất cả các mạch máu khác trong cơ thể cũng có nguy cơ bị bệnh. Nếu động mạch nuôi tim bị tắc sẽ gây nhồi máu cơ tim; động mạch nuôi não bị tắc sẽ gây tai biến mạch máu não; động mạch thận bị tắc sẽ gây suy thận, tăng huyết áp... Các biến chứng này có thể gây tử vong.
Stent được đặt vào trong mạch máu, giúp máu được lưu thông.
Về phương pháp điều trị sẽ tùy theo từng giai đoạn bệnh mà dùng thuốc hay phẫu thuật. Hiện nay phương pháp can thiệp nội mạch là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, ít gây đau. Phương pháp này thực hiện bằng cách luồn một dây ở đầu có bóng nong, đưa bóng đến đoạn động mạch bị hẹp và nong để ép các xơ vữa sát vào thành mạch máu, sau đó có thể đặt vào vị trí vừa nong một stent, có tác dụng như một ống đỡ, giúp cho động mạch không bị hẹp lại. Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp tắc động mạch ngắn. Trường hợp tắc động mạch trên đoạn dài, phức tạp, sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch để cho kết quả tốt nhất.
Về lâu dài, để điều trị các bệnh do tắc nghẽn mạch máu gây nên, bác sĩ khuyến cáo cần sớm loại bỏ những yếu tố nguy cơ đẩy nhanh tiến trình bệnh, như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia..., người bệnh nên chuyển sang lối sống tích cực, lành mạnh về cách ăn uống, thể dục và tinh thần.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065