BP - Chiều 15-8-2019, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nạn “tín dụng đen” tại phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, tình hình hoạt động bảo kê, “tín dụng đen”, đòi nợ thuê còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là hoạt động cho vay qua không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát. Theo người đứng đầu ngành công an, cần phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn triệt để “tín dụng đen”.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã khởi tố 436 vụ - 766 bị can liên quan “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; đồng thời khởi tố 214 vụ - 947 bị can liên quan “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Bộ Công an cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ làm tan rã 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi liên quan đến “tín dụng đen”. Do trấn áp mạnh nên tội phạm liên quan “tín dụng đen” đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước, nhiều nơi các đối tượng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Mặc dù vậy, tình hình hoạt động bảo kê, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp, gây lo ngại trong đời sống dân cư.
Bình Phước cũng là một trong những địa phương có nạn “tín dụng đen” khá phức tạp, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 hình thức cho vay phổ biến, đó là cho vay tiền trả góp và cho vay tiền đứng. Trong những tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 19 vụ - 34 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”. Theo dự báo của cơ quan chức năng, vào thời điểm giáp hạt, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nguyên nhân phát sinh “tín dụng đen” là do nhu cầu vay để tiêu dùng của người dân nên nó hình thành và tồn tại trong các khu dân cư.
Trong khi đó, việc xử lý tội phạm liên quan “tín dụng đen” gặp khó khăn vì các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật. Các cơ quan thực thi pháp luật xác định phạm vi hình sự và dân sự loại hình tội phạm này cũng không dễ. Có hai nhóm đối tượng thường tìm đến vốn vay “tín dụng đen”. Đó là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, lô đề, cá độ bóng đá... Nhóm thứ hai là người dân cần tiền cấp bách nhưng do chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên buộc họ phải vay tiền trong xã hội. Để tiếp tục trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này, ngày 20-8-2019, UBND tỉnh có Công văn số 2408/UBND yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, nhất là lực lượng công an tiếp tục tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thực tế cho thấy, để đẩy lùi “tín dụng đen” bên cạnh sự quyết liệt ngăn chặn của các cơ quan chức năng thì công tác truyền thông và các tổ chức tín dụng cũng phải vào cuộc một cách mạnh mẽ. Người dân phải được tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, nâng cao nhận thức và hiểu rõ về tác hại của “tín dụng đen”. Các tổ chức tín dụng cần tăng cường những hoạt động ưu đãi cho khách hàng, giúp họ thay đổi nhận thức và dần hình thành thói quen vay tiêu dùng thay cho việc tìm đến “tín dụng đen”. Người dân khi đã hiểu rõ về tác hại và những hệ lụy của việc “vay nóng” và có nơi để vay tiêu dùng thì “tín dụng đen” sẽ không còn đất sống.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065