>> BÀI 1: THỜI VÀNG SON CỦA ĐIỀU
BÀI 2: ĐÁP ÁN NÀO CHO CÂY ĐIỀU
Thương hiệu điều Bình Phước và những thăng trầm xung quanh việc trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm điều đã được bàn thảo trên nhiều diễn đàn, hội thảo của ngành và của địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp phục hồi, phát triển cây điều, để quả điều luôn “vàng” trên đất Bình Phước và người dân có thể xóa đói, giảm nghèo, làm giàu từ cây điều... vẫn còn là bài toán khó.
ĐA DẠNG HÓA CÁC SẢN PHẨM TỪ ĐIỀU
Như các tỉnh, thành trong cả nước, Bình Phước đang tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cái khó nhất mà các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đang vấp phải là tổ chức sản xuất ra sao, quy hoạch vùng chuyên canh các loại cây cho giá trị kinh tế như thế nào để đạt được mục đích giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có việc khai thác tiềm năng đất đai, quy hoạch vùng sản xuất điều chất lượng cao và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, xã Đức Liễu (Bù Đăng) giới thiệu mô hình ca cao xen điều của gia đình cho lợi nhuận cao
Chúng ta đều biết, nếu được trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật với nguồn giống chất lượng cao, điều sẽ cho năng suất, chất lượng không kém các loại cây trồng khác như tiêu, cà phê, cao su... Thế nhưng, thực tế là những vùng đất xấu, không trồng được cao su, người dân mới trồng điều nên năng suất, sản lượng thu được rất thấp.
Nhiều ý kiến cho rằng, với những vườn điều cho năng suất thấp có thể chặt bỏ để khai thác tối đa thế mạnh của đất, tạo thành những vùng chuyên canh quy mô lớn và tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp hơn, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay. Một bất cập khác cần được tháo gỡ, đó là cần có cơ chế hỗ trợ người trồng điều, giúp họ yên tâm đầu tư, chăm sóc, gắn bó với cây điều. Và phải đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong toàn bộ quy trình, từ trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh... đến bảo quản và tiêu thụ.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công nghệ chế biến sau nhân điều. Hiện nay, ngoài các sản phẩm sau nhân điều như điều rang muối, chiên dầu, kẹo bánh hạt điều... quả điều còn có thể chế biến thành nước ép, rượu, cồn; thân điều có thể làm ván ép, vỏ điều ép lấy dầu và một số sản phẩm khác như: bột ma-sat, sơn vec-ni cao cấp cách điện, cách nhiệt phục vụ công nghiệp điện, ôtô, dầu khí, đóng tàu...
Như vậy có thể khẳng định, đầu ra cho cây điều là không thiếu. Vấn đề ở chỗ cách thức tổ chức sản xuất, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Vì vậy, theo chúng tôi, thời gian tới, tỉnh nên tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện tiếp tục quan tâm đầu tư, tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ, phát triển cây điều. Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, vì thế, những năm tới thị trường tiêu thụ sản phẩm điều chắc chắn sẽ không bó hẹp trong nội địa hay một vài nước truyền thống mà sẽ rộng hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn, khi đó cây điều sẽ có giá trị cao hơn.
NÂNG CAO THU NHẬP CHO VƯỜN ĐIỀU
Mục tiêu của Bình Phước đến năm 2015 giữ được 150 ngàn héc ta điều, với năng suất đạt 1,5 tấn/ha, sản lượng đạt 210 ngàn tấn. Để làm được điều đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung cải tạo trên 30% vườn điều già để trồng giống điều mới cho năng suất cao và triển khai các chính sách hỗ trợ ngành điều đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND, nhân rộng các mô hình trồng xen canh dưới tán điều. Điển hình như các mô hình của hộ ông Nguyễn Khắc Thược ở xã Minh Hưng (Bù Đăng), ông Nguyễn Văn Tất ở thôn 7, xã Đức Liễu (Bù Đăng), ông Nguyễn Văn Bé ở xã Tân Hưng (Đồng Phú)...
Từ vườn điều già cỗi, năng suất thấp, ông Thược đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng trồng xen ca cao và gừng. Ông Thược cho biết, quan trọng nhất của việc xen canh, đa canh giống cây trồng là sự cộng sinh giữa các cây, đem lại năng suất vượt trội. Với 5 ha điều xen ca cao và gừng, sau khi trừ chi phí, ông thu về gần 500 triệu đồng/năm. Mô hình điều xen ca cao của hộ ông Tất cũng hiệu quả không kém. Chỉ với 2,5 ha điều xen ca cao, trong đó, hơn 1 ha ca cao đã cho thu trái, mỗi năm ông thu về gần 200 triệu đồng... Ông Tất cho rằng, việc duy trì và phát triển cây điều không khó nếu người dân có vốn và mạnh dạn đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì trên cùng một diện tích điều sẽ cho năng suất gấp bội.
Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy, phát triển cây điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 4-2012, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, để duy trì và phát triển cây điều, Bình Phước nên quy hoạch các vùng chuyên canh. Những địa phương có diện tích điều trên 10 ngàn héc ta có thể quy hoạch thành những cánh đồng mẫu lớn. Thành lập hợp tác xã trồng điều, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra cho cây điều.
Ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh cũng sẽ quy hoạch lại những nhà máy chế biến, như: Khuyến khích doanh nghiệp chế biến gây ô nhiễm tại khu vực trung tâm thị xã Phước Long vào cụm công nghiệp Bình Tân (Bù Gia Mập); mở rộng cụm công nghiệp chế biến tại các huyện, thị xã: Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành... gắn cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Để làm được điều này, các doanh nghiệp chế biến hạt điều phải có những chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, tránh tình trạng để tư thương ép giá, tạo lòng tin cho nông dân yên tâm sản xuất, từng bước đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng điều, đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy chế biến.
Về lâu dài, Nhà nước nên tiếp tục đầu tư cho các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về điều, như: Nghiên cứu chọn ra những giống tốt, cho năng suất cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng điều... Ngoài ra, Hiệp hội điều Việt Nam cũng phải là ngôi nhà chung, chỗ dựa tin cậy của người trồng điều. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, hiệp hội, người trồng điều rất cần sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại và tư thương ép giá như thời gian vừa qua. Hy vọng với những giải pháp trên sẽ góp phần đưa sản phẩm điều Bình Phước bay cao, bay xa và xứng đáng là thủ phủ điều của Việt Nam.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065