Thực tế, cán bộ, công chức ngoài thu nhập từ tiền lương, thưởng, phụ cấp, có thể có thêm các nguồn thu khác từ hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh, buôn bán hoặc góp vốn của bản thân, gia đình, trong đó hoạt động sản xuất - kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật luôn được nhà nước khuyến khích. Nhưng cũng còn không ít cán bộ có rất nhiều tài sản có giá trị nhưng cố tình giấu giếm, không chịu kê khai vì nguồn gốc của tài sản mờ ám, “có vấn đề”... Thời gian qua, việc triển khai cho đối tượng có trách nhiệm phải kê khai tài sản ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu xem đây là quyền tự do cá nhân, ai muốn khai bao nhiêu cũng được, miễn là... có khai! Vì tài sản của cá nhân có tính biến động nên luật quy định hằng năm cán bộ phải kê khai bổ sung (tăng, giảm, thêm, bớt) tài sản. Nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước chỉ tổ chức cho cán bộ kê khai tài sản theo “chiến dịch”, kê khai một lần, báo cáo là xong.
Việc công khai các tài sản phải kê khai của cán bộ, công chức ở nơi làm việc và cư trú gần như không được thực hiện. Điều 52 của luật này quy định “Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc”. Số liệu báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2013, hơn 944.400 người đã kê khai tài sản thu nhập. Trong đó có 6.900 người chậm kê khai tài sản thu nhập, 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực và 6 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập. Có lẽ đây là những con số quá “khiêm tốn” về những trường hợp kê khai không trung thực!
Nếu việc minh bạch, công khai tài sản không được thực hiện nghiêm túc nghĩa là chúng ta chưa “chẩn đoán” được ai tham nhũng, ai không tham nhũng. Đấu tranh phòng chống tham nhũng là đấu tranh với một loại “bệnh” mà hiện nay đã trở thành “nan y, khó chữa”. Ngoài tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát... cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đảng, nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể đối với người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng chứ không chỉ dừng lại ở việc gặp mặt, khen thưởng. Sớm bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng tăng nặng mức xử phạt các hành vi tham nhũng, bao che cho tham nhũng. Đồng thời nghiêm khắc, kiên quyết thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng mà có.
Hoài Bảo
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065