Luật Doanh nghiệp hiện hành được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Luật Doanh nghiệp ra đời đã góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Những bất cập và vướng mắc này xuất phát từ các quy định không còn phù hợp.
Cụ thể là quy định về việc thành lập doanh nghiệp tư nhân đang gây nhiều bất ổn cho các cơ quan quản lý. Về hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, tại Điều 16 luật này có quy định như sau: Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định. Bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo luật định phải có vốn pháp định. Chứng chỉ hành nghề của giám đốc và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định phải có chứng chỉ hành nghề.
Theo quy định này, đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo luật định không có vốn pháp định và doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo luật định không cần có chứng chỉ hành nghề, thì người muốn thành lập doanh nghiệp chỉ cần viết vào giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định và nộp bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác là xong.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong năm 2013, cả nước có 76.955 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh gần 400 ngàn tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 1-2014, cả nước có thêm 6.900 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là trên 43,7 ngàn tỷ đồng. Như vậy từ năm 2013 đến hết tháng 1 năm 2014, thị trường đã có thêm 443,7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu thống kê trên giấy và là những con số được đăng ký trên sổ sách. Thực tế lại hoàn toàn khác. Bởi muốn có một doanh nghiệp thì người đăng ký chỉ cần bỏ ra hơn 2 triệu đồng khi thành lập, gồm: Tiền phí đăng ký và thuế môn bài cho năm đầu. Còn vốn mà chủ doanh nghiệp đó có bao nhiêu thì không ai biết và họ muốn khai bao nhiêu là tùy. Và để thuận lợi cho việc hợp tác làm ăn hoặc tạo uy tín cho khách hàng, họ có thể khai lên vài tỷ đồng khi trong túi chỉ có vài trăm triệu, thậm chí là vài triệu đồng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thủ tục thành lập doanh nghiệp quá đơn giản. Một người có đủ năng lực dân sự thì chỉ cần đưa cho Văn phòng đăng ký thành lập doanh nghiệp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hay giấy tờ tùy thân khác và mẫu chữ ký là xong. Do đó, nếu một cá nhân muốn đứng tên pháp nhân cho 2 doanh nghiệp thì 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập bằng chứng minh nhân dân và doanh nghiệp kia thì bằng hộ chiếu. Thậm chí có cá nhân vừa đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng chứng minh nhân dân ở tỉnh này và sau đó chuyển sang cư trú ở tỉnh khác, rồi làm lại chứng minh nhân dân và tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.
Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ma được thành lập nhằm mục đích buôn bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng hoặc xuất khẩu khống hàng hóa, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước nhưng vẫn tồn tại. Và trong thực tế đã có không ít trường hợp mỗi thành viên trong một gia đình thành lập 1 doanh nghiệp để mua bán hóa đơn. Thậm chí có trường hợp là nông dân với trình độ đọc và viết tiếng Việt chưa thông cũng được thuê mướn đứng tên thành lập doanh nghiệp. Vì thế, ngay chính cán bộ thuế, cán bộ quản lý cơ sở cũng không kiểm soát được hết số doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Không ít trường hợp cán bộ tìm đến địa chỉ khai báo thuế nhưng không thấy doanh nghiệp hoặc đã chuyển đi nơi khác nhưng không báo cáo.
Đây là hậu quả của việc Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa tách biệt rõ ràng yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, luật đã yêu cầu phải có một số điều kiện như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này thiếu hợp lý, không có hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư và quá trình thành lập doanh nghiệp mới.
Từ những phân tích trên cho thấy, trong Luật Doanh nghiệp cần được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về việc kiểm tra tính xác thực của vốn điều kiện khi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng doanh nghiệp ma như hiện nay.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065