BPO - Ngày 26-8, tại Hà Nội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ X đã bế mạc sau khi thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
|
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị |
Bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can
Một trong những nội dung nhận nhiều ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH chuyên trách là quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.
Quy định này được thể hiện tại Điều 178 dự thảo bộ luật như sau: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết...”
Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau; có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta thì quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác thì có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết; đồng thời, để thống nhất thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc ghi âm, ghi hình.
Thống nhất với phần giải trình trên, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhấn mạnh: “bắt buộc phải có quy định này chứ không phải muốn làm thì làm bởi nó góp phần bảo đảm tính minh bạch trong hỏi cung, bảo vệ cho bị can và cho chính người điều tra”.
ĐB cũng cho rằng, dự luật nên bỏ phần trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung. Bởi giờ điện thoại cũng có ghi âm, và ai cũng có điện thoại nên có quyết tâm thì thực hiện được.
ĐB cũng nhấn mạnh, dự luật cần quan tâm đến quyền của bị can, tức nếu bị can đề nghị ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung thì cơ quan điều tra phải thực hiện.
Đồng tình với ĐB Bùi Mạnh Hùng, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, đã là bị can thì chỉ có thể hỏi cung ở nơi tạm giam. Do đó nếu quy định như dự thảo thì không khả thi và cũng chỉ mang tính hình thức.
Đặc biệt quan tâm tới quy định này, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng nhấn mạnh ghi âm, ghi hình là nghĩa vụ của cơ quan hỏi cung. Về nơi đặt thiết bị ghi âm, ghi hình, tại Điều 131 luật hiện hành và tại dự thảo bộ luật đều quy định “việc hỏi cung bị can có thể hỏi tại nơi tiến hành điều tra hoặc nơi ở của người đó”. Tuy nhiên, ĐB cho rằng nơi tiến hành điều tra cũng rất rộng, do đó phải quy định cụ thể là hỏi cung tại trụ sở cơ quan điều tra.
Quy định không được làm “bó tay” cơ quan điều tra
Bàn về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) phân tích, không nên hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ, có nghĩa là bị can có quyền không khai báo gì. ĐB Đỗ Văn Đương phát biểu: “Thực chất đây được ngầm hiểu im lặng là khi có luật sư thôi. Còn nếu cho quyền im lặng tất cả mọi lúc thì làm sao biết được thủ phạm, biết được hung khí ở đâu? Pháp luật phải quy định làm sao bảo vệ người yếu thế nhưng cũng đừng đưa quy định nào làm bó tay cơ quan tố tụng dẫn đến làm loạn trật tự xã hội. Như thế là chúng ta có tội, có tội với đất nước, có tội với dân”.
Liên quan đến nội dung bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phúc đáp yêu cầu phòng, chống tội phạm trên biển, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ bổ sung cơ quan Kiểm ngư, không bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện lí giải, do địa bàn hoạt động của cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước gần các Cơ quan điều tra chuyên trách, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho Cơ quan điều tra nên không cần thiết phải giao cho các cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra. Riêng đối với Kiểm ngư, do gần đây tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển thì cần thiết giao cho cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị cân nhắc kỹ việc bổ sung này. ĐB phân tích, Kiểm ngư Việt Nam là lực lượng chuyên trách thuộc Tổng cục Thủy sản, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành trên các vùng biển Việt Nam. Như vậy, cơ quan này là cơ quan hành chính nhà nước nên giao nhiệm vụ điều tra là không ổn. “Tôi khẳng định lực lượng này chưa đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu để thực hiện nghiệp vụ điều tra. Nếu không thì chúng ta phải bổ sung lực lượng điều tra cho lực lượng này” - ĐB nêu ý kiến.
Cũng về vấn đề này, ĐB Trần Văn Độ lại bày tỏ quan điểm ủng hộ mở rộng phạm vi các cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo ĐB, các cơ quan này có thể thông qua hoạt động quản lý nhà nước của mình phát hiện các vi phạm, thu thập chứng cứ bất lợi. Song ĐB không đồng ý việc các cơ quan này được khởi tố bị can, khởi tố bị cáo. ĐB đề nghị “Vì các cơ quan này không phải là cơ quan điều tra chuyên trách, không có điều tra viên, không có thủ trưởng cơ quan điều tra, nên sau khi điều tra ban đầu phải chuyển sang cho cơ quan điều tra chuyên trách”.
Nguồn ĐCSVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065