BP - Vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng đồ gỗ mỹ nghệ tăng cao bởi độ bền, sang trọng, vừa mang nét truyền thống vừa hiện đại. Tuy nhiên, nghề gỗ mỹ nghệ đang đứng trước nhiều thách thức do thiếu nguyên liệu; các cơ sở gỗ chưa có sự liên kết và quy hoạch bài bản; thiếu lao động có tay nghề cao; sản phẩm làm ra nhỏ lẻ, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm theo hướng xuất khẩu.
THIẾU NGUYÊN LIỆU GỖ TỰ NHIÊN
Bình Phước có lợi thế về vùng nguyên liệu dồi dào từ các loại cây công nghiệp lâu năm như: điều, cao su và cây ăn trái. Các loại cây khi hết thời gian khai thác sẽ thanh lý và cho lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ. Ngoài ra, việc tận thu các loại gốc, rễ cây qua bàn tay khéo léo của người thợ sẽ tạo nên những sản phẩm bắt mắt, được khách hàng ưa chuộng.
Cơ sở gỗ mỹ nghệ Công Hiệp, xã Phước Thiện (Bù Đốp) là một trong những cơ sở uy tín, sản phẩm có độ tinh xảo cao được khách hàng nhiều nơi ưa thích.
Ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết: Bình Phước là một trong những tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về nghề mộc mỹ nghệ gia dụng nhưng chưa đầu tư đúng mức cho phát triển vùng nguyên liệu. Các cơ sở sản xuất vẫn phải mua gỗ từ các tỉnh, thành lân cận và nước bạn Lào, Campuchia với giá cao. Để giảm chi phí, nhiều cơ sở đã chuyển từ sử dụng gỗ tự nhiên sang các loại gỗ rừng trồng, gỗ tận thu từ cây công nghiệp nhưng khách hàng không chuộng dẫn đến sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm.
THIẾU THỢ TAY NGHỀ CAO
Hiện các cơ sở đều thuê thợ có tay nghề, thợ bậc cao, nghệ nhân từ khắp nơi trong cả nước. Đây là những người có thể đào tạo và truyền nghề cho lao động trong tỉnh. Hằng năm, Trung tâm Khuyến công tỉnh đều mở các lớp đào tạo nghề mộc trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng số lượng học viên tham gia không nhiều. Một số lao động sau đào tạo không tìm được việc làm do thời gian đào tạo ngắn và yêu cầu cao từ các cơ sở.
Theo khảo sát của chúng tôi, các cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ gia dụng trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, ít lao động (dưới 10 lao động/cơ sở). Đa số lao động chưa qua đào tạo. Theo các chủ cơ sở, những sản phẩm điêu khắc gỗ có tính tạo hình cao, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác thì thợ yếu tay nghề hoặc mới học nghề chưa thể đáp ứng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nghề sản xuất, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng của tỉnh chậm phát triển.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO SẢN PHẨM
Để sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Bình Phước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì việc đăng ký thương hiệu và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm là rất cần thiết. Theo kết quả khảo sát 1.140 cơ sở sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ gia dụng của Trung tâm Khuyến công tỉnh, có tới 1.056 cơ sở sản xuất, gia công cung cấp cho thị trường trong tỉnh và chỉ có 164 cơ sở cung cấp cho thị trường trong nước, 20 cơ sở xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài. Đặc biệt, trên 90% cơ sở sản xuất chưa đăng ký thương hiệu và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Khi được hỏi về đăng ký thương hiệu và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, đa số các cơ sở đều cho biết, do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên ít quan tâm đến tạo dựng thương hiệu. Đa số cơ sở đều quảng bá sản phẩm bằng các hoạt động tiếp thị trực tiếp hoặc qua mối quan hệ.
Toàn tỉnh hiện có 1.360 doanh nghiệp, cơ sở và hộ gia đình sản xuất - kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ gia dụng. Trong đó, trên 96,4% cơ sở có vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng, 3,6% cơ sở có vốn đầu tư lớn hơn 1 tỷ đồng, 727 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh. Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đều nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết và quy hoạch bài bản nên việc xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu gặp khó khăn. |
Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Các ngành nghề nông thôn ở tỉnh đang phát triển tự phát. Việc quy hoạch thành làng nghề rất khó vì ngoài đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thì ngành nghề phải gắn với quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Ngoài chính sách nhà nước cần có chính sách đặc thù gắn với thế mạnh của tỉnh. Bình Phước có lợi thế vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng cao hơn so với các tỉnh, thành bạn, nhưng sản phẩm làm ra chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, mới chỉ sản xuất thô để xuất khẩu. Để nghề mộc có chỗ đứng vững chắc phải xây dựng được vùng nguyên liệu, đào tạo nghề sát với nhu cầu sử dụng đồng thời đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao để thu hút nhà đầu tư.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065