BP - Công tác luân chuyển, điều động cán bộ là một trong những biện pháp quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Qua công tác này, phát hiện, bồi dưỡng năng lực, sở trường của cán bộ ở các vị trí công tác; những nơi cán bộ thiếu và yếu thì có cán bộ được điều động về tăng cường... Vì thế hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền đều xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ cụ thể ở cấp mình quản lý, phụ trách. Nhất là thời điểm trước và sau Đại hội Đảng các cấp hay các kỳ bầu cử đại biểu HĐND thì công tác điều động cán bộ được tiến hành mạnh mẽ để phục vụ mục đích củng cố, kiện toàn, đảm bảo điều hành hiệu quả của cả hệ thống chính trị.
Thực tế ở nhiều nơi, nhờ thực hiện tốt luân chuyển, điều động gắn với quy hoạch, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc nên đã tạo được những cú hích, bởi cán bộ được luân chuyển, điều động đã phát huy được khả năng sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ. Về nguyên tắc, cán bộ lãnh đạo trong diện luân chuyển điều động phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực công tác nhất định. Nhận nhiệm vụ mới luôn đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng cao về tinh thần trách nhiệm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Vì đa phần nơi công tác mới đang gặp khó khăn thì tổ chức mới điều động đến để tháo gỡ. Phần lớn cán bộ sau thời gian luân chuyển, điều động đều trưởng thành rõ rệt về mọi mặt do tích lũy được những kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Song song đó, những địa phương, đơn vị tiếp nhận cán bộ đều có những chuyển biến tích cực về chất lượng công tác, vì không chỉ tăng cường thêm cán bộ có năng lực, trình độ mà còn tạo được sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện do cá nhân cán bộ điều động, luân chuyển mang lại.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, điều động, luân chuyển cán bộ chưa đem lại kết quả như mong muốn. Dễ thấy nhất là ở một số cán bộ được điều động về cơ sở giữ các chức vụ chủ chốt, sau thời gian làm việc đã bộc lộ năng lực không có gì nổi trội, ngược lại còn nhiều hạn chế. Một số nơi khi điều động cán bộ thì xác định thời gian cán bộ đến làm việc là điều kiện “cần” để sau đó rút về bố trí chức vụ cao hơn nên dẫn đến tình trạng cán bộ được điều động và đơn vị tiếp nhận giữ thái độ dĩ hòa vi quý. Cá biệt, có địa phương cán bộ được điều động về cơ sở nhưng thời gian ở cơ quan làm việc ít hơn nhiều so với thời gian đi học tập trung các khóa chuyên môn và lý luận chính trị.
Hiện nay, luân chuyển, điều động cán bộ đang được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, ngành, không chỉ thực hiện một chiều từ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, trong ngành dọc mà cả từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh, từ ngành này sang ngành khác... Do đó, đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ được luân chuyển phải không ngừng hoàn thiện về mọi mặt, có tinh thần học hỏi để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi thực hiện luân chuyển, điều động phải lựa chọn những người thật sự có năng lực, chứ không phải vì đáp ứng điều kiện “cần” như nêu ở trên, nhất là khắc phục tình trạng cán bộ được điều động về cơ sở để tháo gỡ khó khăn, nhưng thực chất có cũng như không vì thời gian theo học các khóa đào tạo chuẩn hóa nhiều hơn thời gian làm việc tại nơi mới đến, làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của cơ sở vào chính sách luân chuyển, điều động cán bộ.
Nhật Hạ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065