Năm 2016, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường sắt làm nạn nhân là chị L.T. N. 30 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng điều tra, cơ quan công an kết luận vụ tai nạn này là giả. Chị N. đã thuê một người chặt tay và chân mình, sau đó trình báo công an là đã bị tàu hỏa tông để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ mà chị N. đã mua trước đó. Nếu vụ lừa đảo này thành công, chị N. sẽ được phía bảo hiểm chi trả 3,5 tỉ đồng.
Người phụ nữ tự thuê người chặt tay, chân của mình và tạo hiện trường giả vụ tai nạn đường sắt nhằm trục lợi tiền bảo hiểm - Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Trước đó, vào năm 2015, Trung tá công an Bùi Minh Thắng ở tỉnh Hậu Giang uống rượu say, lái ô tô tự gây tai nạn, nhưng sau đó đã dụ dỗ người khác “đóng thế” lái chiếc xe, lừa công ty bảo hiểm để chiếm đoạt gần 350 triệu đồng. Đáng nói là người đã đóng thế cho vị trung tá công an đã không dưới một lần tham gia vào việc trục lợi bảo hiểm bằng hành vi gian dối. Và do ăn chia không sòng phẳng nên chính người đóng thế đã tố cáo hành vi lừa đảo, trục lợi tiền bảo hiểm của Nhà nước nên sự việc mới bại lộ. Không chỉ là thuê người chặt tay, chân, nhiều đối tượng còn dùng những thủ đoạn tinh vi hơn để đòi tiền bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm nhân thọ hoặc chiếm đoạt tiền bảo hiểm của người khác. Như vụ một người chồng Đài Loan tổ chức sát hại vợ là người Việt để chiếm đoạt hơn 620.000 USD bằng cách cho vợ uống thuốc độc, sau đó dàn dựng một vụ trật đường ray để phi tang tội giết người…
Trục lợi bảo hiểm là một vấn đề tồn tại song hành cùng ngành bảo hiểm ở mọi quốc gia. Ở những nước ngành bảo hiểm có trình độ phát triển cao thì vấn nạn trục lợi bảo hiểm càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho xã hội và doanh nghiệp bảo hiểm. Tại Việt Nam, nạn trục lợi bảo hiểm đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thậm chí một số người còn cho rằng gần 1/3 số vụ yêu cầu bảo hiểm là trục lợi, nhưng số vụ bị phát giác chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều này đang làm mất dần niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm và Nhà nước vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để tội danh này.
Nghị định số 48 chỉ rõ: Phạt tiền từ 90 đến 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự. Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng. Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60 đến 70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng như trước. |
Tuy nhiên, kể từ ngày 10-5-2018, hành vi tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng. Đây chính là quy định tại Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21-3-2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, có hiệu lực từ ngày 10-5-2018.
Hành vi trục lợi bảo hiểm không chỉ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mỗi năm mà còn làm mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư đối với môi trường bảo hiểm trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm là do còn nhiều kẽ hở trong các quy định của pháp luật liên quan đến chính sách bảo hiểm. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm còn thấp, chưa đủ sức răn đe khiến các đối tượng vi phạm “nhờn thuốc”, sẵn sàng vi phạm để chiếm đoạt số tiền không nhỏ. Với những quy định mới tại Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21-3-2018 của Chính phủ sẽ tăng tính răn đe đối với những người có ý định trục lợi bảo hiểm, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường bảo hiểm trong nước.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065