BP - Từ ngày 18-3-2018, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự; thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là bước tiến mới trong hoạt động cải cách tư pháp, thể hiện tinh thần dân chủ, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự của nước ta. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vụ án oan, sai. Và Bộ Công an đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc xây dựng Đề án tổng thể về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can.
Theo quy định tại thông tư, cán bộ hỏi cung chỉ được thực hiện hoạt động tố tụng khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (gọi tắt là người bị hỏi cung) phải đăng ký với cán bộ chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan điều tra, viện kiểm sát để được bố trí phòng chuyên dụng trong việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. Sau đó, cán bộ hỏi cung làm thủ tục trích xuất đối với bị can tạm giam, hoặc triệu tập bị can đang tại ngoại theo quy định. Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải được thông báo cho người bị hỏi cung và phải ghi vào biên bản. Nghi can có quyền yêu cầu công bố ghi âm, ghi hình trước tòa để chứng minh việc bị bức cung, nhục hình lúc điều tra... Có 4 hành vi bị nghiêm cấm khi ghi âm, ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện tốt các nội dung trong thông tư này sẽ chống được sự bức cung, nhục hình và giảm các vụ án oan sai.
Hỏi cung là hoạt động tố tụng hình sự do điều tra viên tiến hành để lấy lời khai của bị can, bị cáo. Thực tế cho thấy, trong điều tra, hỏi cung nếu không ghi âm, ghi hình thì điều tra viên dễ lạm quyền để thực hiện chủ ý của mình. Nhiều trường hợp án oan sai do điều tra viên lạm quyền hoặc ép bị can nhận tội đã xảy ra và dẫn tới người không có tội phải vào tù oan. Vì vậy, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiến hành hỏi cung hay lấy lời khai nghi can sẽ tránh được nhiều vấn đề bất cập. Theo quy định của pháp luật, mỗi cá nhân đều có quyền im lặng, quyền trả lời và quyền có luật sư. Nếu vụ án không được điều tra khách quan, trung thực sẽ dẫn tới sai lệch và oan sai. Vì vậy, trước mỗi vụ án, ghi âm, ghi hình sẽ đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra, xét hỏi. Cơ quan điều tra sẽ phải làm việc cẩn thận, nghiêm túc hơn để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong từng vụ án. Thông tin thu thập từ quá trình ghi âm, ghi hình cũng là chứng cứ quan trọng để giúp luật sư trong việc bào chữa cho bị can, bị cáo.
Ngoài việc bảo đảm quyền con người và sự minh bạch, việc ghi âm, ghi hình được áp dụng trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai sẽ là bằng chứng để tranh tụng tại tòa, hạn chế được những chuyện tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn, vi phạm pháp luật, từ đó sẽ giảm tối đa các vụ án oan sai. Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là việc làm thể hiện tính dân chủ cao, bảo đảm tuyệt đối quyền con người của chế độ ta.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065