Chưa có Quỹ đầu tư mạo hiểm
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo về Quỹ đầu tư mạo hiểm, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Việt Nam chưa có Quỹ đầu tư mạo hiểm mặc dù Luật Công nghệ cao đã quy định nội dung này.
Trong Luật Ngân sách nhà nước, các luật có liên quan chưa có quy định nội dung này, vì thế việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ từ các viện, trường, đến nay vẫn chưa làm được.
Trong Quốc hội khóa XII, Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo Quốc hội, nhưng có ý kiến cho rằng cần sửa Luật Hình sự trước khi thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để tránh cho nhà khoa học lâm vào hoàn cảnh không may mắn khi sử dụng ngân sách nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Vì vậy, Bộ đã thí điểm hỗ trợ cho dự án tìm hiểu và lập Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên.
Đầu năm 2015, Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên đã được Bộ Nội vụ cấp giấy phép hoạt động và hiện nay đã tài trợ cho chín nhóm khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học, trong đó có năm nhóm khởi nghiệp đã tìm được nhà đầu tư và họ đã đầu tư cho mỗi nhóm khoảng 200.000 USD. Sau bốn tháng đi vào hoạt động, đã có công ty nước ngoài đặt giá mua 4 triệu USD. Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá đây là tín hiệu cho thấy đầu tư cho Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đem đến thành công rất lớn.
Bộ trưởng cho biết hiện Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia không phải Quỹ đầu tư mạo hiểm mà vẫn là quỹ nhà nước nên quy trình, thủ tục để có các dự án đầu tư từ quỹ vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất
Làm rõ câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết chương trình đổi mới công nghệ quốc gia còn đang xây dựng. Bộ đang tiến hành ba dự án gồm Dự án xây dựng phương pháp đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam; Dự án xây dựng bản đồ công nghệ cho lĩnh vực chủ chốt của công nghiệp Việt Nam; Dự án đầu tư nâng cao trình độ công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với các vấn đề này, Bộ đang thực hiện chậm so với tiến độ mong muốn, vì Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã được Chính phủ quyết định từ năm 2011, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cũng đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, nhưng quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn cho chương trình, cho cơ chế quỹ kéo dài do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Liên quan đến sự chồng lấn giữa các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia, câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Tố Nga được Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời thỏa đáng. Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì 15 Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, trong đó có ba chương trình lớn gồm: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình sản phẩm quốc gia. Ngoài ra, có 12 chương trình khác đó là các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, các chương trình nông thôn miền núi, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng...
Song song với đó, 25 chương trình khác được giao cho các bộ, ngành gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ, các Ban Chỉ đạo...
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý chung nên Bộ phê duyệt khung chương trình quốc gia. Trong quá trình các bộ, ngành tổ chức thực hiện, các danh mục nhiệm vụ trước khi phê duyệt, ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện đều có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ. Qua đó, Bộ rà soát các nhiệm vụ thông qua cơ sở dữ liệu về đề tài, dự án cấp quốc gia để hạn chế việc trùng lặp nhiệm vụ giữa các đề tài, chương trình.
Theo Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thống nhất với Bộ Tài chính có quy định chặt chẽ hơn để dòng tài chính, các nhiệm vụ cấp quốc gia sẽ về một đầu mối là Bộ Khoa học và Công nghệ, còn giao cho các bộ, ngành trực tiếp thì vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được thể hiện rõ để xác định trách nhiệm.
Tiếp tục làm rõ hơn chất vấn của đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) về Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết từ khi Quốc hội cho chủ trương, Chính phủ giao nhiệm vụ, sau 16-17 năm, Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa thực hiện được dự án theo đúng tiến độ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vướng mắc nhất của dự án là khâu giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, do việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội nên dự án đã phải điều chỉnh nhiều lần, khung giá đất cũng thay đổi. Tuy nhiên, cuối năm 2014, Chính phủ đã ủng hộ nên có cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng, được áp dụng cơ chế Đại lộ Thăng Long, do đó toàn bộ việc giải phóng mặt bằng đã được giải quyết xong.
Dự kiến ngày 26/6 tới, Bộ Khoa học và Công nghệ khởi công dự án hạ tầng theo vốn ODA của Nhật Bản. Đến năm 2018, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ đi vào hoạt động đúng với dự kiến ban đầu. Như vậy, sau hai năm thi công hạ tầng đồng bộ sẽ là giai đoạn xúc tiến đầu tư và tổ chức hoạt động công nghệ cao theo đúng tiêu chí Khu công nghệ cao.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về giải pháp khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp bởi trình độ sản xuất thấp, mức đầu tư cho các hoạt động cũng rất thấp.
Những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đã dần tăng lên, thu hẹp khoảng cách với các nước. Tuy nhiên, để tăng năng suất lao động, theo Bộ trưởng, điều không thể thiếu ngoài cơ chế chính sách tốt, đầu tư vốn và nâng cao trình độ người lao động, vấn đề đưa khoa học công nghệ vào sản xuất là yếu tố tất yếu.
Bộ trưởng nêu dẫn chứng Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đứng bên bờ vực phá sản, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, trong vòng 10 năm công ty trở thành một trong 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ coi trọng đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất lao động. Các chương trình quốc gia về khoa học công nghệ đều tập trung vào việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh và đặc biệt đối với nông thôn có chương trình nông thôn miền núi với mức đầu tư 700 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Bộ đã huy động được hơn 800 tỷ đồng từ doanh nghiệp và giai đoạn 2011-2015 đã có 390 dự án cho 61 tỉnh, thành phố trong cả nước đem lại hiệu quả tốt cho địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù Chương trình nông thôn miền núi đã đem lại kết quả rất tốt nhưng có sự trùng lặp, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Nguyễn Quân lý giải Chương trình Nông thôn miền núi bắt đầu từ năm 2001 và đã bước sang giai đoạn thứ 3. Trong suốt 15 năm hoạt động, chương trình có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân và một số tổ chức khác trong Ban điều hành.
Kết quả chương trình còn hạn chế do nguồn lực của chương trình rất khiêm tốn với khoảng 100 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách trong khi cả nước có 63 tỉnh, thành phố với hơn 700 huyện, hơn 10.000 xã. Điều này cho thấy, nhiều địa phương còn khó khăn nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ không thể thu xếp, bố trí các dự án hỗ trợ. Bên cạnh đó, sự bất cập về trùng lặp khi có khoảng 20 dự án trồng nấm trong số 390 dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thời gian tới, Chương trình nông thôn miền núi sẽ lồng ghép với Chương trình quốc gia của Ủy ban Dân tộc dành cho các địa phương, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn để tiếp tục đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, giai đoạn 4, Chương trình sẽ được lồng ghép chứ không là chương trình độc lập như ba giai đoạn trước.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu câu hỏi: "Việt Nam đã có Chương trình nghiên cứu nào phục vụ cho việc trồng và sản xuất sản phẩm khi đang phải nhập rất nhiều mặt hàng như hạt điều, ngô, đậu tương?"
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận Việt Nam vẫn nhập một số sản phẩm nông nghiệp vì khó ràng buộc doanh nghiệp sản xuất phải sử dụng sản phẩm trong nước, mặc dù Việt Nam có năng lực sản xuất.
Bộ trưởng cho biết Viện Nghiên cứu Ngô của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo ra nhiều giống ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng chỉ đủ năng lực chuyển giao, tổ chức sản xuất ở diện tích trên 200.000ha khu vực phía Bắc. Vì vậy, các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm đã giao nhiệm vụ cho một số bộ đề tài cấp quốc gia từ giống cho đến canh tác, sử dụng sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, ngô.
Tuy nhiên, kết quả còn hạn chế do doanh nghiệp chưa thật quan tâm, chưa mạnh dạn đầu tư hay chưa tin tưởng vào sản phẩm của viện nghiên cứu.
Chương trình sản phẩm quốc gia được phê duyệt gồm sáu sản phẩm chính thức và ba sản phẩm dự bị, trong đó sản phẩm nông nghiệp mới chỉ có lúa gạo, cá da trơn, nấm.
Các sản phẩm như hạt điều, ngô, đậu tương chưa được đưa vào Chương trình vì chưa đáp ứng được tiêu chí của sản phẩm quốc gia, Bộ trưởng cho biết.
Để khoa học công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu
Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu Quốc hội. Những câu hỏi của đại biểu Quốc hội và trả lời của Bộ trưởng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của khoa học công nghệ đối với đời sống kinh tế-xã hội; đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực then chốt này.
Khẳng định vị trí then chốt của khoa học công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng qua phiên chất vấn cho thấy rất nhiều vấn đề đang còn tồn tại, cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp để khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian tới để khoa học công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.
Chủ tịch Quốc hội đã nêu lên các vấn đề lớn Bộ Khoa học và Công nghệ cần quan tâm nghiên cứu, đề xuất giải pháp và thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Bộ cần tập trung phát triển khoa học công nghệ đồng bộ, xây dựng thị trường khoa học công nghệ, trong đó chủ thể là các nhà nghiên cứu khoa học, người sử dụng công nghệ; tiếp tục giải quyết vấn đề cung và cầu, làm rõ vai trò của các chủ thể trong mối quan hệ này.
Bộ cần khắc phục triệt để tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học để ngăn kéo, tránh lãng phí cho nguồn ngân sách quốc gia; thực hiện hiệu quả chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các bộ, ngành khác phát triển chương trình sản phẩm quốc gia thương hiệu Việt Nam với giá thành hợp lý, được thị trường chấp nhận.
Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận là vị Bộ trưởng thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065