Luật Doanh nghiệp (DN) cùng các nghị định hướng dẫn thi hành đã có tác động tích cực đến việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cũng như thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nội dung không phù hợp thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN. Thậm chí, một số nội dung không còn tương thích với các quy định mới ban hành hoặc cần tiếp tục được hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị DN.
Thực tế, hiện hầu hết các hộ kinh doanh cá thể rất “ngại” lên DN do nhiều nguyên nhân. Đó là, loại hình hộ kinh doanh đang áp dụng hình thức thuế đơn giản, trong khi chuyển từ hộ kinh doanh lên DN phải áp dụng các chính sách thuế, như mở sổ sách, thuê kế toán cùng các chính sách về lao động, bảo hiểm... nên rất phức tạp và tốn kém. Và, khi đã là DN thì dù DN nhỏ hay siêu nhỏ cũng phải áp dụng như DN vừa và lớn, là phải duy trì báo cáo kế toán, khai quyết toán thuế hồ sơ... cùng những “gánh nặng” về thanh tra, thủ tục hành chính... Hay muốn lên DN để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng tiềm lực hạn chế, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vay lớn lại gặp rất nhiều khó khăn do giá trị tài sản thế chấp, đảm bảo thấp và thủ tục nhiêu khê.
Muốn khuyến khích hộ kinh doanh trở thành DN phải cho họ thấy lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn cản trở và không được ép buộc bằng mệnh lệnh hành chính. Cho ý kiến về dự án Luật DN (sửa đổi) tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16-10, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán... theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính. Qua đó, bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh, vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với DN.
Hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, vì vậy cần được luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển thành DN. Từ đó, nâng cao năng lực quản trị, giúp DN thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ cũng như bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật DN, rất mong cấp có thẩm quyền xem xét thấu đáo mọi khía cạnh, đánh giá kỹ những tác động ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của hộ kinh doanh khi lên DN cũng như bảo đảm được việc sửa luật là sửa được những bất cập còn tồn tại. Có như vậy mới tạo điều kiện phát triển DN và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các thành phần kinh tế thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065