Ngày 28-11-2013, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua toàn văn Hiến pháp năm 2013.
Tiếp đó, ngày 8-12-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Hiến pháp mới gồm 11 chương, với 120 điều. Có thể khẳng định rằng, việc Quốc hội thông qua Hiến pháp mới là sự kiện chính trị lớn nhất của nước ta trong năm 2013.
Phát biểu ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu tán thành thông qua Hiến pháp mới với sự đồng thuận cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Tuy nhiên, để các điểm mới này được thi hành với đầy đủ ý nghĩa, Quốc hội và Chính phủ còn nhiều việc phải làm. Vì bên cạnh các quy định có hiệu lực trực tiếp, một số điều quy định do luật định thì phải chờ luật mới và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ thì mới có thể thi hành. Ví dụ, tại Điều 25 trong Hiến pháp năm 2013 có quy định như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy, trong các quyền cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định công dân có quyền biểu tình. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên quyền này của công dân mới được hiến định, mà đã được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp trước đó.
Cụ thể là tại Điều 10 trong Hiến pháp năm 1946 quy định: Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận... Tự do tổ chức và hội họp. Đến bản Hiến pháp năm 1959, tại Điều 25 cũng khẳng định như sau: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Tại Điều 67, Hiến pháp 1980 cũng nêu rõ: Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Và tại Điều 69, Hiến pháp năm 1992 một lần nữa quyền biểu tình của công dân được hiến định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Từ phân tích trên cho thấy, quyền biểu tình của công dân mặc dù đã được hiến định từ bản Hiến pháp đầu tiên và đến nay đã gần 70 năm nhưng vẫn còn bị “treo”, do chưa có Luật Biểu tình. Vì vậy, để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống thì việc cấp thiết là sớm có luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Có như vậy không những quyền công dân được bảo đảm, mà còn góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về quyền công dân ở nước ta.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065