Theo phương án được phê duyệt, tập đoàn sẽ CPH công ty mẹ - tập đoàn, trong đó bao gồm 20 công ty con là công ty TNHH MTV và 4 đơn vị sự nghiệp. Sau CPH, tập đoàn có tên giao dịch Tập đoàn cao su Việt Nam - Công ty cổ phần với vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng; mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Về phương thức bán cổ phần sẽ thực hiện bán đấu giá công khai trước, đồng thời lấy mức đấu giá thành công này làm cơ sở để bán cho người lao động, tổ chức công đoàn và nhà đầu tư chiến lược. Tập đoàn thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về CPH, nhiều công ty cao su 100% vốn nhà nước trực thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) đã xây dựng phương án CPH. Các đơn vị tiến hành CPH thành công như cao su Đồng Phú, cao su Phước Hòa, cao su Tây Ninh... đều hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn so với khi chưa cổ phần. Một số công ty khác cũng đã có quá trình “thai nghén” gần chục năm trời nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên chưa thể CPH được. Điều này tạo ra tâm lý “nhấp nhổm” của cán bộ, công nhân viên lao động.
Cũng liên quan đến công tác CPH, những câu chuyện ở Hãng phim truyện Việt Nam khiến nhiều người tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà không khỏi chạnh lòng, xen lẫn lo lắng, băn khoăn. Thật đáng buồn vì sự việc gây xôn xao dư luận nhưng lại không phải vì vấn đề chuyên môn, mà dường như chỉ thuần túy là chuyện “bếp núc, hậu trường”. Vẫn biết “Cơm áo không đùa với khách thơ”, “Có thực mới vực được đạo”, nhưng khi nghe những nghệ sĩ màn ảnh thở dài, trải lòng về chuyện nợ lương cán bộ, nhân viên; rồi chuyện cổ phần, cổ phiếu, giá trị tài sản... mới thấm thía hậu quả mà CPH để lại!?
Với những người “ngoại đạo” thì việc hãng phim vang bóng một thời ấy được bán cho ai, giá bao nhiêu, mô hình hoạt động thế nào, chiến lược phát triển ra sao... có lẽ chẳng quan trọng. Bởi vì hầu như người ta đã biết rõ, chẳng nên trông mong gì vào nhà đầu tư chiến lược đang sở hữu đến 65% vốn điều lệ hãng phim chỉ là một Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso). Họ không có chuyên môn về lĩnh vực điện ảnh. Là doanh nghiệp, họ càng không thể đầu tư vốn, tiền bạc để sản xuất ra những bộ phim “vì nghệ thuật” được. Họ quyết định mua cổ phần hãng phim vì nhìn thấy giá trị có thể “đẻ ra vàng” của mảnh đất - là trụ sở của hãng phim. Nói cách khác, nhà đầu tư chỉ “nhảy” vào mua cổ phần các doanh nghiệp CPH khi họ thấy được lợi nhuận trước mắt hoặc lâu dài mà thôi.
Một trong những vấn đề đặt ra đối với công tác CPH đó là không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn của nhà nước. Các doanh nghiệp không thể “viện cớ” sức ép CPH để “bán tống bán tháo” tài sản. Công tác xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản phải được thực hiện một cách khoa học, chính xác, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cần hết sức thận trọng, nhà đầu tư chiến lược phải vừa có tiềm lực tài chính vừa có tâm huyết, tránh tình trạng “giao trứng cho ác” như câu chuyện đã xảy ra ở Hãng phim truyện Việt Nam. Cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để công tác CPH vừa đảm bảo lộ trình và mục đích, ý nghĩa đề ra.
Chính Trực
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065