BP - Tôi là một trong số nhiều bạn đọc thường kỳ của Báo Bình Phước. Tôi rất mừng là những năm gần đây, tờ báo Đảng (Báo Bình Phước và Bình Phước Online) đã có nhiều thay đổi về hình thức cũng như nội dung. Trong mỗi trang báo đã có nhiều chuyên mục hấp dẫn và bổ ích, tạo cho độc giả có nhiều “món ăn tinh thần” khác nhau. Với chuyên mục “Sự kiện và bình luận” hằng kỳ đã thể hiện năng lực cũng như bản lĩnh của những người làm báo Đảng ở tỉnh nhà.
Đặc biệt, chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn đọc ở nhiều tầng lớp khác nhau. Với một tờ báo địa phương, lại ở một tỉnh lẻ nhưng Ban biên tập đã duy trì từ 1 kỳ/tuần và bắt đầu từ tháng 8-2016, chuyên mục này đã tăng lên 2 kỳ/tuần. Đây quả là một sự nỗ lực của Ban biên tập. Bởi qua theo dõi nhiều tờ báo Đảng ở các địa phương khác (chủ yếu qua báo điện tử - phần lớn nội dung phát lại từ báo in, của các tỉnh, thành phố), thì thấy không phải tờ báo Đảng của địa phương nào cũng làm được việc này và nếu có thì cả tháng mới có 1 bài hoặc lâu hơn nữa.
Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi xin mạnh dạn đề xuất với Ban biên tập ý kiến như sau: Việc mở chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” trên báo là rất cần thiết. Bởi qua đó, độc giả và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh nhận biết rõ hơn về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Thế nhưng, để đông đảo bạn đọc hiểu rõ hơn về các vấn đề, như: “Chiến lược diễn biến hòa bình” là gì? Chiến lược phản động này ra đời từ khi nào và ở đâu? Đối tượng để các thế lực phản động thực hiện chiến lược này là ai hay những quốc gia nào? Cuối cùng mục đích của chúng là gì? Và bài viết dưới đây không ngoài mục đích cùng Ban biên tập Báo Bình Phước giúp độc giả hiểu rõ hơn về những vấn đề nêu trên.
Vậy “diễn biến hòa bình” là gì? Theo các nhà nghiên cứu trong nước thì diễn biến hòa bình là bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, của các thế lực phản động quốc tế và các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa cũng như phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Và theo Bách khoa toàn thư mở thì đó là một diễn biến không đổ máu nhưng mà nó dẫn đến sự loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại các nước xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, khái niệm này cũng được dùng để chỉ sự âm thầm can thiệp của một nước phương Tây vào tình hình chính trị nội bộ của một nước đối thủ, dù đó không phải một nước xã hội chủ nghĩa.
Diễn biến hòa bình xuất hiện từ khi nào? Theo Bách khoa toàn thư mở thì cụm từ “diễn biến hòa bình” lần đầu tiên được đề cập tới trong thời kỳ chiến tranh lạnh bởi John Foster Dulles, cựu Ngoại trưởng Mỹ trong những năm 1950 của thế kỷ XX, khi bàn về Liên Xô. Về sau, ý niệm của cụm từ này đã được Dulles mô tả là một quá trình chuyển đổi “hòa bình” từ một thể chế mà chính phủ Mỹ xem là độc tài sang dân chủ tại một nước xã hội chủ nghĩa. Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ý tưởng diễn biến hòa bình được nâng lên và hoàn chỉnh thành chiến lược diễn biến hòa bình. Trong điều kiện mới về so sánh tương quan lực lượng trên thế giới, chiến lược diễn biến hòa bình được tiến hành chủ yếu bằng các thủ đoạn phi quân sự, nhằm “chuyển hóa hòa bình” các nước xã hội chủ nghĩa theo tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt sau biến động ở Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, phương Tây đã công khai tuyên bố chuyển hướng chiến lược từ “kiềm chế” sang chiến lược “mở rộng” với hai nội dung cơ bản là: “dân chủ hóa về chính trị” và “tự do hóa về kinh tế”. Vấn đề “nhân quyền”, “dân chủ” và “tôn giáo”... được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng coi đó là vũ khí lợi hại để chống phá.
Về đối tượng của chiến lược diễn biến hòa bình, theo tác giả Quốc An (Báo Quân đội nhân dân) thì đó là các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa. Bản chất của chiến lược diễn biến hòa bình là chống chủ nghĩa xã hội, chống độc lập dân tộc. Nội dung cơ bản của chiến lược diễn biến hòa bình là phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa về các mặt chính trị, tư tưởng - văn hóa, kinh tế - xã hội... Phương thức và thủ đoạn của chiến lược diễn biến hòa bình chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự, tạo dựng và thúc đẩy những nhân tố phản động, chống đối từ bên trong, đẩy đối phương vào khủng hoảng toàn diện, từng bước chuyển hóa chế độ chính trị theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa hoặc bị chính các thế lực chống đối dùng bạo loạn lật đổ. Diễn biến hòa bình thường được tiến hành bằng tổng hợp nhiều biện pháp buộc đối phương trong cùng một lúc phải đối phó với nhiều thế lực, nhiều hoạt động chống đối, thúc đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội thành khủng hoảng chính trị, tạo ra tình thế bạo loạn lật đổ chế độ.
Về thủ đoạn, các thế lực phản động, thù địch sử dụng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, đối ngoại, an ninh... để phá hoại, làm suy yếu từ bên trong các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng kích động các mâu thuẫn trong xã hội, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, sắc tộc, khuyến khích tư nhân hóa về kinh tế và đa nguyên chính trị, làm mơ hồ giai cấp và đấu tranh giai cấp trong nhân dân lao động. Nham hiểm hơn, chúng còn khích lệ lối sống tư sản và làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa ở một số bộ phận sinh viên; triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn, sai sót của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nên sức ép, từng bước chuyển hóa và thay đổi đường lối chính trị, chế độ xã hội theo quỹ đạo chủ nghĩa tư bản. Và để đạt được điều đó đối với nước ta, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã và đang xác định các mục tiêu cơ bản như sau:
Một là xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê - nin để thay thế bằng hệ tư tưởng tư sản trong các nước xã hội chủ nghĩa. Các nhà lý luận của chiến lược “diễn biến hòa bình” cho rằng, tư tưởng là lĩnh vực có tầm quan trọng hàng đầu, vì vậy, mục tiêu phải đạt tới là tước bỏ vũ khí tư tưởng của đối phương và coi đó là khâu đột phá của chiến lược diễn biến hòa bình.
Hai là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong các nước xã hội chủ nghĩa. Luận điệu được sử dụng thường xuyên là Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo là “độc tài”, là “bóp nghẹt dân chủ”, vì thế phải thay thế bằng chế độ chính trị đa đảng! Từ đó, chúng tìm mọi cách nhen nhóm các lực lượng phản động chống đối, cơ hội chính trị trong các nước xã hội chủ nghĩa.
Ba là gây mất ổn định về chính trị trong các nước xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn thường xuyên được chúng sử dụng là lợi dụng, kích động những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để gây mâu thuẫn nội bộ, phá vỡ sự đồng thuận xã hội và khi có thời cơ lôi kéo một bộ phận quần chúng vào các cuộc bạo loạn chính trị. Các thế lực thù địch bỏ ra nhiều công sức và cả tiền bạc để lôi kéo, tập hợp “những người bất đồng chính kiến”, thực chất là những phần tử chống chủ nghĩa xã hội, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dùng họ làm “cơ sở”, “nội ứng” cho việc thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Bốn là làm suy yếu, chệch hướng phát triển của nền kinh tế, tiến tới chi phối, lũng đoạn, khống chế kinh tế.
Năm là chuyển hóa văn hóa, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa theo quỹ đạo và các giá trị phương Tây, từ đó làm biến đổi theo chiều hướng tiêu cực và tha hóa con người, dẫn tới biến chất cả một xã hội.
Sáu là “phi chính trị hóa” để vô hiệu hóa quân đội và công an.
Sau khi nhận biết rõ bản chất của chiến lược diễn biến hòa bình cũng như những âm mưu, thủ đọan, mục tiêu và đối tượng mà các thế lực thù địch, phản động áp dụng, mong rằng mỗi bạn đọc dù là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên hay người dân bình thường cũng cần phải tự mình luôn luôn cảnh giác và tăng cường sức đề kháng đối với loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm này.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065