Bài 1 Còng lưng “vượt vũ môn”
Hè năm nay, giáo viên tiếng Anh “không được dạy thêm mà phải học thêm” là nỗi niềm của nhiều giáo viên. Họ đang là những “học viên bất đắc dĩ” của chương trình dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, thuộc Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Được học để nâng cao trình độ, đạt chuẩn, nhưng các giáo viên này thấy đang “ngồi trên đống lửa” khi áp lực bủa vây.
Lớp học cấp độ B2 theo chuẩn châu Âu tại trường THPT Hùng Vương (TX. Đồng Xoài)
NHỮNG “HỌC VIÊN BẤT ĐẮC DĨ”
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008. Đến nay đã bước vào cuối giai đoạn 2 nhưng chỉ có 180 giáo viên tiếng Anh trong tỉnh đạt chuẩn, vẫn còn nhiều “sĩ tử bất đắc dĩ” đang theo học các lớp bồi dưỡng, ôn luyện để “vượt vũ môn”, mong đạt chuẩn của Bộ GD-ĐT đề ra.
Theo quy định của đề án, giáo viên bậc tiểu học và THCS phải đạt chuẩn trình độ bậc 4 (B2) tiếng Anh trở lên hay các chứng chỉ khác tương đương theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu - CEFR (The Common European Framework of Reference for Languages). Đối với giáo viên THPT, giáo dục thường xuyên, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp phải bậc 5 (C1) trở lên hay các chứng chỉ khác được công nhận tương đương trở lên theo CEFR.
Ông Cao Quang Hùng, Phó trưởng phòng Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết: Sở đã mời trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh làm đơn vị khảo sát, bồi dưỡng và ôn luyện; Trung tâm SEAMEO RETAC làm đơn vị đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh. Trong đợt 1 toàn tỉnh có 563 giáo viên đủ điều kiện tham gia học, chia làm 16 lớp cho các cấp độ: B1 có 11 lớp, B2 có 4 lớp, C1 có 1 lớp. Kết quả sau khi học có 180 giáo viên đạt chuẩn (29 giáo viên THPT, 136 giáo viên THCS, 15 giáo viên TH). Với 180 giáo viên đạt chuẩn là quá ít so số trường và số học sinh toàn tỉnh hiện nay.
Để hiểu rõ hơn tâm tư của nhiều giáo viên đang chịu áp lực trong giảng dạy và việc tổ chức bồi dưỡng, ôn luyện nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Anh, người viết đã tham gia một buổi học với lớp C1 và B2. Qua trao đổi sâu về nghiệp vụ, các giáo viên có 2 nhóm ý kiến đối lập và 1 nhóm ý kiến thống nhất. Hai nhóm ý kiến đối lập là: Một số giáo viên cho rằng chương trình rất bổ ích, nâng cao kiến thức và nghiệp vụ cho giáo viên. Một số giáo viên lại cho rằng kiến thức quá cao, trong khi chương trình học của học sinh ở mức trung bình, đặc biệt là cấp tiểu học nên những kiến thức bồi dưỡng được chưa tương xứng.
Tuy nhiên, tất cả giáo viên đều có chung một nhận định: chương trình của Cambridge Esol rất khó. Để lấy được chứng chỉ FCE giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực.
NHIỀU ÁP LỰC
Khó khăn không chỉ trong việc học kiến thức mà còn về mặt không gian và thời gian. Một giáo viên ở huyện Bù Đăng cho biết: “Trường có 5 giáo viên đi học. Để thuận tiện các giáo viên tự thuê xe ôtô (kinh phí trường hỗ trợ 50%) và chọn lớp học buổi chiều để đi về trong ngày. Đang dịp hè nên giáo viên còn “dễ thở” nhưng khi vào năm học thì ngoài việc đảm đương công việc gia đình, ở trường, lại phải lo vượt qua kỳ thi. Có trường hợp vì áp lực quá đã phải bỏ học giữa chừng”.
Đề án được triển khai thực hiện theo 3 giai đoạn (GĐ):
- GĐ 2008-2010, đánh giá năng lực giáo viên và nhu cầu đào tạo, phát triển các chính sách thu hút kiều bào và giáo viên tình nguyện. - GĐ 2011-2015, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, cung cấp trang thiết bị cho các trường, dạy bằng tiếng Anh cho các ngành trọng điểm, một số môn khoa học, toán học ở trường THPT và dạy một phần các môn học ở năm cuối đại học bằng tiếng Anh. - GĐ 2016-2020, triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô cả nước...
|
Ngoài những áp lực trên, giáo viên còn lo “chế tài” xử lý của Sở GD-ĐT khi họ không đạt chuẩn như: Bị luân chuyển công việc, phân công nhiệm vụ mới. Về kinh phí, nếu thi không đậu thì giáo viên phải tự túc đi học và nộp chứng chỉ về Sở GD-ĐT trong vòng 2 năm kể từ ngày tham gia lớp học do Sở GD-ĐT tổ chức để được học cấp độ kế tiếp, nếu không sẽ tự bỏ kinh phí cho khóa học tiếp theo. Bình Phước lại chưa có đơn vị nào đủ năng lực để đào tạo chứng chỉ FCE Cambridge và các giáo viên phải về thành phố Hồ Chí Minh hoặc một trường nào đó đủ điều kiện để học.
Đề án chuẩn bị bước vào giai đoạn 3, việc triển khai tiếng Anh đại trà cho các cấp học đang cận kề nhưng số giáo viên đạt chuẩn ở Bình Phước hiện quá ít. Trong khi khâu quyết định sự thành công của đề án là đội ngũ giáo viên. Các giáo viên tiếng Anh đang “gồng mình” để lấy chứng chỉ FCE. Còn ngành giáo dục Bình Phước nếu thực hiện đúng theo lộ trình của quốc gia thì đang đứng trước bài toán rất khó và gần như chưa có lời giải.
Ngọc Bích
Bài cuối: Cambridge - “sân chơi” nhiều cam go.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065