Thí sinh làm thủ tục trước khi thi THPT quốc gia 2016 tại Bình Phước - Ảnh: K.B
Người ta thường nói “Lịch sử khác nhau bởi một góc nhìn”. Một thời, người ta xem tư tưởng yêu nước của Phan Chu Trinh là cải lương, là “lạc lối trời Âu” nhưng hôm nay Tổng thống Mỹ Barack Obama lại trân trọng nó. Với vấn đề dạy thêm, học thêm, theo tôi có thể chia ra 4 góc nhìn chính. Đó là góc nhìn của người dạy, người học, chính quyền quản lý người dạy và phụ huynh quản lý người học. Khi đặt cố định một góc nhìn nào đó lớn hơn sẽ lấn át các góc nhìn khác mà sinh ra chủ quan, phiến diện. Nếu giải quyết hài hòa 4 góc nhìn đó, có lẽ chúng ta sẽ giải mã được bài toán.
GÓC NHÌN CỦA NHÀ QUẢN LÝ XÃ HỘI
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tuyên bố năm học tới sẽ quyết liệt xóa tình trạng dạy thêm, học thêm trong các trường bởi không phù hợp với xu thế hội nhập và ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục thành phố. Bên ngoài có các trung tâm văn hóa, ai thích học thêm, dạy thêm... ra đó đăng ký chứ không để tình trạng này diễn ra trong trường học. Đó là một quan điểm không sai, song nó chỉ chứa đựng góc nhìn của những nhà quản lý xã hội. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng từng đề cập lương kỹ sư công nghệ thông tin từ 8-10 triệu đồng/tháng làm sao mà sống, thì lương của các giáo chức có bằng đại học chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng càng không thể đủ “dứt cháo” để tồn tại ở thành phố.
Trở lại vấn đề, tại sao các nước không có hiện tượng dạy thêm, học thêm mà chỉ ở Việt Nam mới có và đã kéo dài khoảng 20 năm nay? Xin hãy xem lại nội dung chương trình học và trả lời câu hỏi vì sao xuất hiện dạy thêm, học thêm. Cải tổ việc dạy thêm, học thêm phải làm đồng bộ với việc cải cách toàn diện giáo dục về nội dung chương trình, mục tiêu, nguyên lý. Đi kèm với nó là giải quyết bài toán tiền lương cho 1,3 triệu giáo chức trên toàn quốc. Nếu nhà giáo muốn bỏ nghề và ít người dám theo học sư phạm thì có phải là hậu họa khôn lường cho quốc gia, dân tộc?
GÓC NHÌN CỦA PHỤ HUYNH
Mọi phụ huynh đều muốn con mình được tiếp cận với nền giáo dục nhân văn. Muốn cho con được học, được chơi, được phát triển toàn diện. Họ muốn được quyền cho con đi học thêm hay không phải học thêm bất kỳ môn nào ngoài số giờ, số tiết pháp lệnh của chương trình. Họ bỏ tiền ra để mua hai loại dịch vụ giáo dục. Đó là giáo dục nền tảng phổ thông và giáo dục gia tăng. Khi đó, họ muốn được quyền chọn thầy, chọn cô, chọn môn học họ thích vì một mục tiêu nào đó. Họ muốn con mình không bị o ép, không bị “đì”. Không đi học thêm cũng chẳng sao. Tóm lại, họ cần sự trung thực và minh bạch trong giáo dục.
Tôi nghĩ với những yêu cầu này thì vai trò và khả năng của Nhà nước, nhà trường dư sức thực hiện tốt trong giai đoạn hiện nay. Hãy tạo ra một khung chương trình kiến thức, kỹ năng tối thiểu sao cho nhẹ nhàng, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi mà vùng miền nào cũng có thể thực hiện được. Việc tổ chức dạy thêm trung thực và minh bạch thì không khó. Qua gần 20 năm, rất nhiều tỉnh, thành đã ban hành các quy định dạy thêm và học thêm được sửa đổi nhiều lần. Dạy thêm, học thêm không nên đóng khung trong các môn văn hóa mà cả các môn năng khiếu, nghệ thuật, kỹ năng sống... Cái còn lại là phải thực hiện nghiêm thì tiêu chí “trung thực, minh bạch” tất yếu sẽ có và không còn phụ huynh nào kêu ca, phàn nàn.
GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI DẠY
Đã có một thời giáo viên bỏ nghề hàng loạt. Số lượng đào tạo mới không đủ lấp chỗ trống bỏ việc. Nếu ai muốn trụ lại thì phải có nghề tay trái để cứu nghề tay phải. Sống bằng nghề và làm thêm bằng nghề là nhu cầu chính đáng của mọi giáo viên. Trong ngôn ngữ Việt Nam có hai đối tượng sau được gắn liền với từ thiên chức. Đó là thiên chức làm mẹ và thiên chức nhà giáo. Qua đó cho thấy vai trò và uy tín nhà giáo là giá trị vô hình, cực kỳ quý báu trong công việc truyền dạy của người thầy. Người làm nghề giáo phải có cái “tâm” lẫn cái “uy” thì giáo dục mới đạt hiệu quả. Hãy bỏ qua một vài cá biệt “Con sâu làm rầu nồi canh” về đạo đức nhà giáo, phần đông còn lại giữ được tư cách, trách nhiệm với công việc.
Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh, đã đến lúc phải chấp nhận giáo dục theo kinh tế thị trường. TP. Hồ Chí Minh không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm hoạt động này tổ chức trong trường học. Ai có nhu cầu dạy và học cứ thoải mái ra các trung tâm bồi dưỡng văn hóa đăng ký. Thế nhưng, trung tâm bồi dưỡng văn hóa sinh ở đâu, số lượng phòng, chỗ ngồi có thể đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh?
Đã qua thời số lượng trường đại học ít, đề thi chưa có 3 chung. Cha mẹ muốn con đậu đại học phải cho con ôn luyện từ cấp 3. Muốn ôn luyện được phải có nền tảng từ cấp 2, cấp 1. Ngày nay, trường đại học mở ồ ạt, đề thi 3 chung không còn là đất cấm của trường đại học nào cho nên đã có nhiều trung tâm bồi dưỡng, luyện thi phá sản, bán cơ sở. Việc dạy thêm, học thêm trở nên đại trà, tràn về các trường phổ thông. Do đó không nơi nào có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy thêm, học thêm hiện nay bằng tại các trường học là vì vậy.
Cho đến thời điểm này, khi các điều kiện xung quanh về nội dung chương trình chưa thay đổi, nếu có nhu cầu thật sự về học thêm từ phía phụ huynh và học sinh hãy để các bên tự thảo thuận về nội dung, địa điểm, tài chính theo nhu cầu.
GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI HỌC
Lấy người học làm trung tâm là nguyên lý gần 10 năm nay của ngành giáo dục. Là người đi học, ai cũng muốn “lạc học”, muốn được mỗi ngày đến trường là một niềm vui nhưng hầu như chỉ là khẩu hiệu được sơn lên ở một số trường cho đẹp chứ không nơi nào thực hiện trọn vẹn. Chương trình học thì hàn lâm nặng nề nhưng lại có quá nhiều cuộc thi trong năm học mà thầy trò phải gồng mình chạy theo để tạo thành tích cho trường. Trường chuyên, lớp chọn là bệnh thành tích giữa các địa phương. Cuối cùng rồi cũng phải thi đại học cho nên phải căng mình học thêm từ nhỏ, kể cả học sinh trường chuyên, thì còn đâu là “lạc học”? Vì thế hãy cho phép người học khi không cần đến lớp vẫn có thể học với cha mẹ, người thân, học qua trực tuyến... và có thể quay lại lớp học truyền thống bất cứ lúc nào nếu vượt qua sát hạch kiến thức kỹ năng dành cho trình độ từng lớp.
Qua những phân tích góc nhìn trên, tôi xin kiến nghị góc nhìn tổng hòa gồm 3 điểm cho bài toán “dạy thêm, học thêm” như sau:
Thứ nhất: Gấp rút ban hành chương trình khung bậc phổ thông để rộng đường dư luận. Hãy tạo nên nền giáo dục nhân văn để 4 đối tượng trên tìm thấy tiếng nói chung. Nếu trước mắt chưa thay đổi được khung chương trình thì hãy cho phép xét tốt nghiệp THPT và chỉ thi đại học ở một số trường trọng điểm. Các trường đại học tốp dưới chuyển mạnh sang đào tạo nghề chất lượng cao. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại địa phương nên đào tạo nghề sau THCS. Mạng lưới trường dạy nghề cấp huyện nên cho thuê để các trường có năng lực “phủ sóng nghề nghiệp” về tận cơ sở. Hãy mở cửa đầu vào tất cả trường đại học để hạ nhiệt “dạy thêm, học thêm”. Bao lâu nay giáo dục cứ loay hoay quản đầu vào mà đầu ra thả nổi khiến hàng trăm cử nhân thất nghiệp, làm sao lại có chuyện vô can đến giáo dục phổ thông.
Thứ hai: Kiên quyết không thả nổi việc dạy thêm, học thêm. Tổ chức dạy thêm những cái mà người học thật sự cần chứ không dạy cái nhà trường có. Dạy thêm, học thêm trên nguyên tắc cá thể hóa để phát triển toàn diện những năng khiếu, sở trường, thế mạnh của từng học sinh. Dạy tại trường là tốt nhất, đảm bảo nhất trong bối cảnh hiện nay. Quản lý mục tiêu, nguyên tắc dạy thêm thông qua các quy định dạy thêm, học thêm của các tỉnh đã từng ban hành và sửa đổi nhiều lần. Về lâu dài phải tạo ra thu nhập chính đáng, chính danh cho nhà giáo để bám trụ với nghề. Thực hiện thành công việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Thứ ba: Tách việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá độc lập với nhau ngay trong trường phổ thông. Trong một tuần dành một buổi thực hiện việc kiểm tra đánh giá học sinh tập trung theo đề chung của trường. Giáo viên dạy trên lớp chỉ kiểm tra miệng và 15 phút trở xuống. Kiểm tra từ 1 tiết trở lên đều cắt phách, chấm chung thì không giáo viên nào có thể o ép hay “đì” học sinh được. Bộ phận khảo thí của trường công khai minh bạch ngân hàng đề kiểm tra, đáp án và điểm số để mọi người cùng biết sao cho không có kẽ hở để tạo ra nhũng nhiễu ở bất kỳ khâu nào.
Nếu thực hiện đồng bộ 3 điều này, tôi cho rằng giáo dục sẽ “thay da đổi thịt”, việc dạy thêm, học thêm sẽ lập lại được kỷ cương, đúng thực chất; uy tín nhà giáo sẽ được vãn hồi. Rất mong được những người trong cuộc lắng nghe và phản biện.
Song Huỳnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065