Trong những năm qua, các khu bảo tồn biển (KBTB) ở nước ta đã được hình thành, bước đầu phát huy vai trò và giá trị của nó. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại đặt ra cho các ngành chức năng.
THỰC TẾ CÁC khu bảo tồn biển
KBTB là vùng biển mà trong đó hàm chứa các loài động, thực vật có giá trị và tầm quan trọng cấp quốc gia hoặc quốc tế về khoa học, giáo dục, du lịch, giải trí và được quản lý, bảo vệ theo quy chế đặc biệt. Đây là khu vực biển không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái biển, đa dạng sinh học, điều hòa môi trường mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế biển lâu dài, gắn với nghiên cứu khoa học và du lịch. KBTB còn là cơ sở, công cụ hành chính và pháp luật nhằm đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trong phạm vi đặc quyền kinh tế ven biển. Nhận thức về tầm quan trọng đó, ngày 26-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020. Hiện nay, chúng ta đã thành lập được mạng lưới 10/16 KBTB gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc và 4 KBTB đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch là Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết. Bên cạnh đó, 2 KBTB đang xây dựng quy hoạch chi tiết là Cô Tô và Đảo Trần.
Theo đánh giá, thời gian qua các KBTB hoạt động cơ bản đạt yêu cầu và bước đầu phát huy tốt vai trò trong việc bảo vệ sinh thái, môi trường biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển. Các KBTB cũng đã góp phần giải quyết vấn đề môi trường vùng biển Đông mà các nước trong khu vực đang rất quan tâm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc bảo tồn các khu vực biển có nơi vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Một số KBTB mới chỉ chú trọng bảo vệ rừng trên các đảo mà chưa quan tâm bảo vệ tài nguyên và môi trường dưới biển; thậm chí một số vùng biển còn bị xâm hại đến mức báo động.
NHỮNG HẠN CHẾ TỒN TẠI
Theo các nhà chuyên môn, hiện những KBTB nước ta còn thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống và tài liệu nền cho từng khu vực; thiếu cách tiếp cận quản lý tổng hợp, liên ngành đối với các KBTB. Quản lý nhà nước đối với KBTB và bảo tồn đa dạng sinh học biển còn chồng chéo, manh mún, chưa thống nhất cả về thể chế và chính sách. Hơn nữa, còn thiếu sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình quản lý KBTB. Nguồn nhân lực liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý KBTB còn thiếu và yếu, nhất là cán bộ đào tạo và nhân viên làm việc lâu dài tại các khu bảo tồn. Việc hợp tác quốc tế về KBTB còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các quốc gia trong khu vực biển Đông. Công tác điều tra nguồn lợi, bảo vệ thủy sản còn nhiều bất cập, dẫn đến những hạn chế trong hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi và hệ sinh thái.
KBTB là loại hình bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển. Bảo vệ đa dạng sinh học biển là một chức năng quan trọng nhất của các KBTB, bởi chúng tạo môi trường, sinh cảnh thuận lợi để các loài cá, sinh vật sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, việc hình thành và phát triển các KBTB còn giúp tăng lượng cá đánh bắt ở các ngư trường xung quanh, tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương, đồng thời góp phần chống lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Ngoài ra, KBTB cũng là công cụ quản lý tài nguyên được sử dụng để làm chậm lại quá trình suy giảm hệ sinh thái ven biển. Các chuyên gia đã nhận ra giá trị của KBTB, đặc biệt là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong việc cải thiện sức khỏe hệ sinh thái, sự tồn tại và phát triển của ngành thủy sản. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng đặt ra nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các KBTB... nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng đó, bảo đảm thành công chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.(*)
Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo nguồn Cục Bảo tồn đa dạng sinh học
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065