Học sinh Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài) hưởng ứng văn hóa đọc - Ảnh K.B
Tốc độ đọc như thế nào mới được gọi là nhanh? Trung bình mỗi phút, trẻ từ 10-12 tuổi đọc được 150-240 từ và hiểu được 50% kiến thức. Nếu áp dụng tốt phương pháp đọc nhanh có thể đọc được 850-1.200 từ mỗi phút (tương đương 2 trang sách/phút), hiểu 80-100% kiến thức. Để giúp trẻ đọc nhanh, tôi xin đề xuất một số phương pháp sau đây:
Đọc bằng mắt: Trẻ mới biết đọc, các em thường đọc to và từng chữ một. Sau đó, các em có thể sẽ đọc bằng môi. Khi đọc, môi các em mấp máy hoặc đọc thầm. Những cách đọc này đều chậm. Nhiều người còn có thói quen đọc sách “lùi”, tức là đọc lại những dòng vừa mới đọc để cố nhớ thông tin sâu hơn. Nhưng khoa học chỉ ra rằng việc ghi nhớ thông tin nhanh hay chậm, sâu hay nhớ mơ màng không phụ thuộc vào tốc độ đọc mà dựa vào khả năng tập trung của người đọc. Đọc lại càng làm mất thời gian mà thôi. Chỉ đọc bằng mắt và ở tầm mắt rộng mới có thể giúp ta đọc nhanh hơn.
Đọc với một cây bút dẫn đường: Tập cho trẻ sử dụng một cây bút dẫn đường khi đọc. Bút dẫn đường giúp người đọc không bị lẫn dòng, khi mắt không bị phân tán, tư tưởng con người sẽ tập trung hơn và nắm nội dung kiến thức tốt hơn.
Đọc một lúc từng cụm 5-7 từ: Theo thói quen ngay từ khi mới tập đọc, ta thường chỉ đọc từng từ một, do vậy tốc độ đọc sẽ chậm. Khi trẻ em đã đọc lưu loát (khoảng lớp 3 trở đi), ta nên hướng dẫn trẻ mỗi lần nhìn ít nhất 3 từ trở lên. Đối với học sinh ở độ tuổi THCS, THPT, người lớn là 5-7 từ một lần. Nếu nhìn được một lúc 5 từ để đọc, chúng ta đọc được ít nhất 1.000 từ/phút. Việc tập luyện này phải được duy trì thường xuyên và mất một thời gian. Một trong những lý do khiến trẻ thích đọc truyện tranh hơn truyện chữ là vì các em đọc chậm, nhìn thấy những cuốn sách dày dễ có tâm lý ngại và chán. Đến khi trẻ đọc nhanh hơn, các em sẽ thấy việc đọc sách hấp dẫn hơn trước.
Tìm kiếm những ý chính và đánh dấu các từ khóa: Khi đọc, các em cần lướt qua những từ ngữ không chính yếu và đánh dấu những từ khóa quan trọng. Trong một đoạn văn bản thường có một ý chính quan trọng cùng với sự hỗ trợ của các ý phụ, điều cốt yếu là nắm được ý chính.
Phân loại các loại sách để có thao tác phù hợp: Cùng với luyện cách đọc nhanh là việc hướng dẫn trẻ cách đọc các loại sách khác nhau. Tùy từng loại, nếu là sách giáo khoa, đầu tiên hãy đọc phần tóm tắt chương hoặc câu hỏi ở cuối bài để định hình nội dung chính cần nắm bắt khi đọc. Nó giúp não bộ của các em định hình những thông tin cần ghi nhớ trong chương, bài. Đối với tác phẩm văn chương, sau khi đọc các em cần tóm tắt nội dung chính bằng sơ đồ tư duy hoặc bằng các từ khóa.
Luyện tập thường xuyên: Tăng tốc độ đọc dần dần, “ép” thần kinh phải làm việc tập trung. Ban đầu, việc đọc nhanh có thể khiến các em bị sót thông tin và cảm thấy quá tải. Không sao cả, chỉ một thời gian việc này sẽ trở nên bình thường.
Việc đọc các loại sách, báo ngày càng có ý nghĩa đối với con người, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin. Chúng ta có thể tiếp xúc với nhiều nguồn tri thức phong phú quý giá và dĩ nhiên ai có tốc độ đọc nhanh hơn người đó sẽ có hiểu biết hơn. Vì thế, giúp trẻ có thể đọc nhanh mang lại rất nhiều lợi ích trong học tập và đời sống.
Th.s Vũ Văn Tuấn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065