Du xuân về cõi tâm linh
Bình Phước có nhiều ngôi đình, đền chứa đựng những nét văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Những ngày này, lượng người đổ về đền, điện đông gấp nhiều lần. Từ thị xã Đồng Xoài, nhiều đoàn người đã kéo nhau lên núi Bà Rá (TX. Phước Long) để chiêm bái và cúng lễ tại Điện Bà. Chị Thạch Thị Thủy (31 tuổi) chia sẻ: “Nghe kể núi Bà Rá rất thiêng nên dịp đầu năm chúng tôi đã lên điện Bà để cầu tài, cầu lộc, cầu an cho cả gia đình”. Để tỏ lòng thành kính, đoàn của chị Thủy đã lên núi bằng đường bộ. Tuy mệt nhưng mọi người đều thấy phấn chấn trong lòng.
Ngay trung tâm phường Long Giang (TX. Phước Long) là đền Bà Rá. Năm 2014, ngôi đền đã được tu sửa khang trang. Đây là nơi thu hút rất nhiều khách hành hương về xin lộc, xin quẻ đầu năm. Rút được quẻ xăm thượng thượng, bà Đinh Thị Thu Huệ ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) phấn khởi nói: “Đức tin đối với gia đình tôi rất quan trọng, giúp chúng tôi phấn chấn, thận trọng hơn trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Năm nay, được quẻ tốt, tôi rất vững tin. Hy vọng đây là một năm may mắn, thuận lợi trong công việc và gia đạo”.
Lễ bái, hành hương tâm linh đầu năm là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc cần được gìn giữ, phát huy
Đền thờ Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn ở phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) cũng là nơi thu hút đông đảo người dân đến dâng hương. Đánh bại quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi và bảo vệ triều Trần bằng tài và đức, Trần Quốc Tuấn được phong thánh, lập đền thờ ở nhiều nơi. Đền Trần là nơi người dân, sĩ tử, công chức tới cầu công danh, sự nghiệp.
Đến chùa cầu an
Tại các ngôi chùa lớn như Thanh Phú (Đồng Phú), Thanh Lương (TX. Bình Long), Phúc Hậu ở xã Thuận Lợi (Bù Gia Mập), Quang Minh (TX. Đồng Xoài)... là điểm đến của người dân những ngày đầu xuân Ất Mùi. Hầu hết người dân đến chùa đều mang theo lòng thanh tịnh, an nhàn của buổi đầu năm.
Tại chùa Quang Minh, bà Nguyễn Thị Nhân ở phường Tân Đồng (TX. Đồng Xoài) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, sau cúng gia tiên, chúc tết hai bên nội ngoại và bà con dòng họ, tôi sẽ lên chùa lễ Phật, cầu bình an, sức khỏe cho mọi người trong gia đình”. Quan niệm cửa Phật là nơi thanh tịnh nên bà Nhân và nhiều người khác không cầu tiền tài, danh vọng.
Đồng bào Khơme có tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào tháng Tư (Dương lịch). Song hầu hết các gia đình vẫn đón tết truyền thống chung của dân tộc Việt Nam. “Theo quan niệm của người Khơme, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Tết năm nay, chúng tôi cầu nguyện chư Phật, chư Thiên ban tặng sức khỏe, may mắn cho cả năm” - bà Thạch Thị Bí ở phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài) chia sẻ. Tại chùa Syrivalsa, phường Tân Thiện, nhiều đồng bào Khơme còn cầu cho nông sản được mùa, giá cả ổn định, cuộc sống ấm no.
Biến dạng văn hóa
Truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc là nét đẹp cần được duy trì, bảo tồn, gìn giữ. Tuy nhiên, việc “kinh tế hóa” nơi đền, chùa đã khiến nét đẹp tâm linh dần biến tướng. Tại một ngôi chùa ở xã Bù Nho (Bù Gia Mập), chúng tôi hòa vào đoàn khách đến nhờ quý sư coi ngày, tháng tốt để xuất hành dịp đầu năm. Sư bà trụ trì mở sổ coi ngày, giờ tốt cho khách với thái độ vui vẻ, ân cần, lịch sự. Sư bà cũng kêu đệ tử lấy bánh mì, nước tương cho khách lỡ đường, đói bụng. Vì chưa biết phải cúng chùa như thế nào, nhóm khách hỏi một sư cô về việc dâng công đức. Sư cô nói: “Xem ngày tháng là do công của sư bà. Tiền công, các cô dâng cúng thẳng cho sư bà. Tùy vào lòng thành của mỗi người”. Chúng tôi chưa kịp hỏi gì thêm, sư cô này nói tiếp: “Tùy lòng hảo tâm nhưng nếu các cô cúng tiền ít thì công đức ít. Tiền nhiều thì công đức nhiều”!
Mấy năm trở lại đây, ngôi đền nhỏ tọa lạc trên đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Phú được xem là nơi linh thiêng ở thị xã Đồng Xoài. Đền thu hút nhiều tao nhân, mặc khách, doanh nhân, quan chức và đông đảo người dân. Lần đầu tiên thăm viếng cảnh đền, chúng tôi rất ấn tượng với chánh điện thờ Tứ Phủ Công Đồng. Hai bên tả hữu thờ Đức Thánh Trần và Bà Chúa Sơn Lâm. Khói nhang nghi ngút thể hiện sự linh thiêng, ấm cúng.
Ngôi đền này không chỉ là nơi người dân tới lễ thánh mà còn tới xin thẻ để biết hướng làm ăn, sinh hoạt của gia đình trong cả một năm. Tiền “giọt dầu” cúng thánh tùy mỗi người. Sau khi lễ thánh, khách sẽ tới chỗ nhận thẻ xăm. Tại đây, chúng tôi thấy một hòm ghi dòng chữ “tùy hỉ công đức”. Trực bàn là một thanh niên khoảng 30 tuổi, anh này đưa cho khách tờ giấy có ghi lời huấn dụ, tương ứng với số thẻ và không quên nhắc mọi người bỏ tiền công đức. “Tiền công đức là tùy tâm để năm sau người ta còn in cho các anh, các chị tới mà xin, mà lấy chứ” - người thanh niên này giải thích. Khi chúng tôi thăc mắc về dòng chữ “tùy hỉ công đức” và việc đã đặt lễ ngoài chánh điện, thanh niên này trả lời: “Đặt lễ ở ngoài điện khác với đặt lễ ở trong này. Nếu chị có thắc mắc gì, mời chị gặp trực tiếp ông chủ đền”.
Lễ đình, chùa, miếu, điện đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời. Làm gì để giữ gìn nét đẹp ấy, truyền thống ấy, đức tin ấy là việc không của riêng ai. Giữ gìn văn hóa tinh thần, tâm linh của cha ông để lại rất cần sự hiểu biết, chữ tâm của các tín đồ, tăng ni và “ông Từ” ở những nơi thờ tự!
Nhật Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065