Thực trạng và mục tiêu đến năm 2025
Theo UBND tỉnh, mạng lưới trường, lớp và quy mô giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh những năm qua phát triển nhanh, góp phần nâng cao tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao. Hiện toàn tỉnh có 1.765 phòng học; 154 trường mầm non; 1.734 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; 49.040 trẻ mầm non được huy động ra lớp. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non 4.866 người, theo quy định còn thiếu 53 cán bộ quản lý và 126 giáo viên.
Công tác phát triển trường chuẩn quốc gia được chú trọng, chất lượng giáo dục mầm non có sự tiến bộ rõ rệt trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 33 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 20,2% số trường mầm non. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 tuổi trên địa bàn được triển khai hiệu quả, đến nay đã có 111 xã, phường đạt chuẩn giáo dục mầm non 5 tuổi.
Theo đề án, mục tiêu chung đến năm 2025, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giào dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Cụ thể đến năm 2025, huy động được ít nhất 8.645 trẻ, tỉ lệ 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đến lớp; 50.825 trẻ, tỉ lệ 95% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỉ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, có 99,5% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; duy trì tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì được khống chế. Về giáo viên, có đủ số lượng giáo viên theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. Về cơ sở vật chất, trường lớp, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 70%, có ít nhất 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; có ít nhất 60% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Nhiệm vụ và giải pháp
Đề án đặt ra nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành học mầm non, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của địa phương và các cơ sở trong giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành học. Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cấp xã trong xã hội hóa giáo dục mầm non. Huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị, đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và người dân nhận thức đầy đủ về giáo dục mầm non, vận động trẻ em trong độ tuổi mầm non đến lớp. Thực hiện kịp thời chính sách của Trung ương đối với giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các địa phương đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông dân cư. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động và quản lý chất lượng giáo dục mầm non. Huy động nguồn lực, lồng ghép kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án khác và nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dung đồ chơi cho giáo dục mầm non nhằm đảm bảo điều kiện thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.
Song song đó, đổi mới công tác quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non, nâng cao năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục và trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo tính thống nhất, khách quan, chính xác và kịp thời. Bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp, kỹ năng nghề nghiệp; đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng nhằm đảm bảo giáo viên có đủ năng lực, chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ theo chương trình giáo dục mầm non. Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và tin học ở những nơi có điều kiện. Triển khai bộ công cụ hỗ trợ giáo viên, cha mẹ trẻ về phát hiện sớm, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ chậm phát triển và trẻ em khuyết tật, đẩy mạnh giáo dục hòa nhập đối với trẻ em khuyết tật.
Mặt khác, ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã, huyện, thị trấn thuộc biên giới, vùng sâu vùng xa. Đẩy mạnh các giải pháp phát triển trường lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục con người lao động ở các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Xóa phòng học bán kiên cố xuống cấp, phòng học tạm, nhờ, mượn. Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non bằng cách huy động các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong, ngoài nước tham gia phát triển giáo dục mầm non. Trong đó, khuyến khích thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. Xây dựng cơ sở vật chất cho thuê với mức ưu đãi hoặc cho mượn, khuyến khích, tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển đổi mục đích sử dung đất.
Về tổ chức thực hiện, giao Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan Thường trực giúp UBND tỉnh triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Đồng thời chủ trì phối hợp các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị khác liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện những nội dung của đề án.
Nguồn kinh phí thực hiện Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2020-2025 dự kiến hơn 524 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu kinh phí xây dựng phòng học, phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh hơn 381 tỷ đồng. Trong đó: xây dựng mới bổ sung, thay thế 359 phòng học; xây mới bổ sung, thay thế 225 phòng chức năng; xây mới bổ sung, thay thế 57 bếp ăn; xây mới bổ sung, thay thế 449 nhà vệ sinh. Nhu cầu kinh phí bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hơn 117 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo đề án 25,5 tỷ đồng. |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065