BP - Hội chợ thương mại quốc tế châu Á vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm quốc tế IMPACT, Bangkok (Thái Lan) từ ngày 29-5 đến 2-6-2018. Đây là hội chợ thương mại hàng đầu châu Á, chuyên ngành thực phẩm và đồ uống, cung ứng thực phẩm và dịch vụ, công nghệ và máy móc, bán lẻ và nhượng quyền thương mại. Điều đáng nói trong hội chợ này là giá các mặt hàng nông sản Việt Nam thua xa các nước. Cụ thể là giá hồ tiêu của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Campuchia. Trước hồ tiêu, gạo của Campuchia đã gây được tiếng vang trên thị trường thế giới, khiến những người trồng lúa Việt Nam cảm thấy “mắc cỡ”, bởi chúng ta vốn được coi là cường quốc xuất khẩu gạo. Không chỉ hồ tiêu, gạo mà giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, ca cao, hạt điều... của nước ta cũng thua nhiều nước trong khu vực.
Nông sản Việt Nam hiện có mặt tại 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có một số thị trường khó tính. Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, mà Bình Phước là địa phương được coi là “thủ phủ” của loại cây này. Trong những năm tới, cơ hội tăng trưởng về xuất khẩu rất cao bởi nhu cầu sử dụng các loại hạt, trái khô của người tiêu dùng trên thế giới ngày càng tăng. Hạt tiêu là mặt hàng có sự tăng trưởng vượt bậc và đây cũng là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Đặc biệt, gạo là mặt hàng nông sản truyền thống và Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu. Cà phê và các loại rau, củ, quả cũng là mặt hàng nông sản được xếp vào nhóm xuất khẩu chủ lực đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Tiềm năng xuất khẩu nông sản của nước ta là rất lớn, nhưng hiện vẫn thua xa các nước trong khu vực. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp, cơ sở chế biến của ta có quy mô nhỏ, phân tán; công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là sơ chế đơn giản, chỉ có một số ít sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại. Các mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế; chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều. Cùng với đó, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp khi hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 5%.
Hạt tiêu của Campuchia có giá cao là vì họ tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Người đứng đầu ngành thương mại nước này mang sản phẩm đến tiếp thị trực tiếp với các nhà tiêu dùng ở những thị trường cao cấp. Còn hồ tiêu của Việt Nam thì chưa làm được. Ngay cả gạo hiện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa khẳng định được chất lượng ở thị trường thế giới. Hạt điều Bình Phước cũng mới được cấp chỉ dẫn địa lý chứ chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Ngày nay, tất cả mặt hàng xuất khẩu đã chuyển từ lượng sang chất ở hầu hết thị trường trên thế giới. Nếu chúng ta không thay đổi thì sẽ đến lúc bán rẻ cũng không được, mà còn mất cả thị trường. Vì vậy, đầu tư vào chất lượng, không chạy theo số lượng để nông sản Việt Nam có vị trí trên thị trường quốc tế là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chứ không thể cứ để cho người nông dân loay hoay với nền nông nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay.
Thanh Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065