BP - Ngày 21-2 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định kỷ luật cách chức đối với Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên vì nhiều lý do, trong đó có không trung thực trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại trường, che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan điều tra; vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên... Vụ việc này được dư luận trong cả nước đặc biệt quan tâm vì đã làm hoen ố môi trường giáo dục.
3 tháng trước, cả hai lãnh đạo Trường tiểu học Nam Trung Yên đi khám bệnh bằng taxi. Khi về, họ yêu cầu taxi chạy vào sân trường (đang trong giờ ra chơi) và xe đã đâm vào một học sinh lớp 4. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, cả hai vị này đã bỏ mặc nạn nhân chỉ có tài xế xuống thăm hỏi. Sau khi phát hiện em này bị gãy xương đùi thì hai vị lãnh đạo đã tìm mọi cách đối phó, che đậy hành vi của mình. Bị phát giác, cả hai vị đã báo cáo sai sự thật với cấp trên và yêu cầu toàn thể giáo viên viết đơn bảo vệ lãnh đạo trường... Đây không phải là trường hợp cá biệt về những mặt trái của ngành giáo dục ở nước ta hiện nay. Bởi chưa bao giờ những thông tin về bạo lực học đường, thầy đánh trò, bạo hành trẻ ở mầm non... xảy ra nhiều như trong thời gian qua.
Tại Bình Phước, “những con sâu” trong ngành giáo dục không phải là ít. Vì lợi ích kinh tế, không ít giáo viên đã lừa dối phụ huynh về tình hình học tập của học sinh để mở lớp dạy thêm. Có giáo viên lợi dụng lòng tin của hàng xóm trong sang nhượng đất để chiếm đoạt tiền đặt cọc. Khi bị tố cáo thì gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng không chứng minh được việc mình đã trả tiền. Hay việc hiệu trưởng của một trường tiểu học đã tự ý ra quyết định cho thôi việc hai nhân viên của trường vì “dám” góp ý lãnh đạo. Điều đáng nói là vị hiệu trưởng này hành xử không khác gì ở Trường tiểu học Nam Trung Yên. Bởi, sau khi bị khiếu nại vì ban hành hai quyết định cho thôi việc trái luật, thanh tra của huyện đến làm việc thì không tiếp, lại còn cung cấp thông tin sai lệch cho các mạng xã hội để “bảo vệ mình”. Khi bị kỷ luật cách chức hiệu trưởng thì khởi kiện ra tòa hành chính và viết đơn tố cáo sai sự thật gửi khắp nơi. Hay tại Bù Đốp, hai giáo viên ở hai trường đã đánh nhau vì xích mích trong cuộc sống ngay trước mặt học trò. Đã vậy, người gây sự luôn bao biện cho hành vi đánh người của mình khi khởi kiện các quyết định xử lý kỷ luật của cấp trên...
Những vụ việc nêu trên đã làm giảm niềm tin của học sinh, gia đình và xã hội đối với các thầy cô giáo, là hồi chuông cảnh tỉnh về tính trung thực, gương mẫu, trách nhiệm... của một bộ phận nhà giáo chưa hoàn thiện về nhân cách. Do vậy, chúng ta không thể hô hào đổi mới hay cải cách giáo dục khi ngành chưa đào tạo được những chuẩn mực đạo đức và nhân cách cho giáo viên. Vì thế, bên cạnh truyền thụ tri thức, ngành giáo dục và các trường học không thể bỏ lơi mục tiêu bồi dưỡng tư cách làm người. Bởi vì những phẩm chất cần thiết ở con người như lòng nhân ái, tính trung thực, ý thức công dân, lương tâm nghề nghiệp... là những yếu tố quan trọng cấu thành chất lượng của nguồn lực con người và là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Để làm được điều này, các nhà hoạch định chính sách, quản lý giáo dục hay từ mỗi trường học cần phải có hành động mạnh mẽ, thiết thực để triệt tiêu những bê bối mà ngành đang gặp phải.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065