BP - Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học năm 2019 thấp hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó 279.001 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm 27,8%). Con số này năm 2018 là 25,7% và năm 2017 là 25%. Riêng Bình Phước, năm 2019 có 9.762 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 2.217 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. So với năm 2018, số thí sinh dự thi giảm 513 và thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT tăng 106 em.
Những con số nêu trên cho thấy, xu hướng học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển vào đại học ngày càng tăng. Theo nhiều người, một phần do thực trạng tốt nghiệp đại học ra trường không xin được việc làm đúng ngành nghề đã tác động rất lớn đến nhận thức của học sinh. Tỷ lệ học sinh không dự thi xét tuyển đại học ngày càng tăng được coi là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Với một số học sinh, việc lựa chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ có tâm lý nhẹ nhàng hơn, số môn ôn tập và thi cũng ít hơn, trong khi các em vẫn có cơ hội vào đại học, cao đẳng ở những trường xét tuyển. Ngoài ra, với con số hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp và đang có xu hướng tăng là bài học nhãn tiền cho học sinh và phụ huynh. Không ít trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học, cao học cầm tấm bằng cử nhân, thạc sĩ để rồi về đi làm lao động phổ thông, mà nguyên nhân chủ quan từ chính các em và sự định hướng sai lầm của gia đình.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp tăng qua từng năm cho thấy, chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực. Đây là điều đáng mừng, nhưng để bảo đảm hiệu quả của công tác phân luồng, hướng nghiệp thì đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đến nơi đến chốn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Sự chuẩn bị đó phải từ các chính sách của Nhà nước làm cho giáo dục nghề nghiệp ngày càng hấp dẫn, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực quản trị của các trường nghề. Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp về lâu dài cũng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ trọng bằng cấp sang thực học, thực nghiệp. Để những học sinh không dự thi xét tuyển vào đại học có địa chỉ đào tạo mới thì các địa phương phải có hệ thống trường dạy nghề thật tốt. Đặc biệt, ngay trước kỳ tuyển sinh cần tích cực tư vấn hướng nghiệp để những học sinh không chọn xét tuyển vào đại học sẽ theo các khóa đào tạo nghề phù hợp. Không nên để các em lêu lổng, không học hành gì, vì điều đó rất nguy hiểm cho xã hội. Nhiều người cho rằng, việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh là yêu cầu tất yếu trong giáo dục phổ thông. Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn, nhưng Luật Giáo dục hiện hành lại không quy định cụ thể về nội dung này.
Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công mà chỉ là một trong rất nhiều con đường để đi đến đích. Nếu có ước mơ, hoài bão, sẵn sàng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và quyết tâm đeo đuổi đam mê của mình thì mỗi người hoàn toàn có thể đặt chân lên đỉnh vinh quang mà không cần phải học đại học. Có nhiều con đường nhưng chọn học nghề để lập nghiệp là một trong những sự lựa chọn tốt. Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là thời đại 4.0, lao động qua đào tạo để có kỹ năng nghề nghiệp mới là hướng đi bền vững nhất.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065