BP - Hằng ngày, hằng giờ, không khó để chúng ta bắt gặp những quảng cáo về thực phẩm chức năng (TPCN) được đăng, phát nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các loại thực phẩm này được nói đến với rất nhiều công dụng, như lấy lại “tuổi thanh xuân”, xóa tàn nhang tức khắc, “thêm bản lĩnh cho đàn ông”... cùng hàng chục, hàng trăm loại hiệu quả hấp dẫn khác. Không ít người đã đánh cược với sức khỏe của mình khi sử dụng TPCN nhưng lại không hiểu rõ bản chất của nó.
KHI NIỀM TIN LẠC LỐI
Sau khi xem quảng cáo về công dụng thần kỳ của một loại TPCN trên truyền hình, chị Nguyễn Thị Năm (Chơn Thành) đã đến hiệu thuốc gần nhà hỏi mua. Không quá khó khăn, chị đã mua được lọ TPCN với mong muốn những vết tàn nhang trên mặt sẽ biến mất. Tuy nhiên, sau 3 tháng sử dụng, chị đã phải bỏ giữa chừng vì chưa thấy được hiệu quả mà TPCN đã nêu, trong khi giá thành mỗi lọ cả triệu đồng. “Tôi đã dùng liên tục 3 tháng nhưng không có kết quả, tìm hiểu ra mới biết sản phẩm này không có tác dụng điều trị mà chỉ hỗ trợ phần nào thôi” - chị Năm nói.
Đồng cảnh ngộ với chị Năm, chị Thu Phương (Đồng Xoài) chia sẻ: Tôi đã sử dụng TPCN liền 4 tháng mong trị tàn nhang mà chẳng ăn thua gì! Giờ tôi đang điều trị tàn nhang bằng đông y tại một trung tâm da liễu. Qua 1 tháng điều trị, tôi thấy vết tàn nhang giảm đi trông thấy.
Thực phẩm chức năng luôn được quảng cáo như “thần dược” nhưng công dụng và hiệu quả thực sự thì chỉ có “thánh” mới biết được! Trong ảnh là hàng loạt thực phẩm chức năng được bày bán tại một tiệm thuốc tây ở TP. Hồ Chí Minh
Những câu chuyện trên không phải là trường hợp hiếm gặp hiện nay. Có rất nhiều người tiêu dùng không hiểu rõ được bản chất của TPCN nhưng vẫn háo hức sử dụng. Chị H - nhân viên bán thuốc chia sẻ: Nhiều người đến hỏi mua TPCN mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Hầu hết họ đều muốn TPCN sẽ phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, họ lại không hiểu bản chất của TPCN không phải thuốc chữa bệnh. Mặt khác, TPCN không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên có nhiều người vẫn bán cho khách.
TRÀN LAN TPCN GIẢ, KÉM CHẤT LƯỢNG
Trong 7 tháng năm 2015, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với 105 cơ sở sản xuất - kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt lên đến gần 1,9 tỷ đồng; xử lý 102 cơ sở vi phạm về quảng cáo (thổi phồng công dụng của TPCN) với tổng hơn 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, cục còn xử lý thêm 3 cơ sở khác vi phạm nhãn mác với tổng số tiền 57 triệu đồng.
Nhân sâm Hàn Quốc - thực phẩm chức năng hàng “xách tay” đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng chất lượng thì rất khó xác định - Ảnh: Internet
Tính riêng đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phát động từ ngày 15-7-2015 đến 15-10-2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN. Theo đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 22 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật chưa tiêu hủy và tịch thu là 14,895 tỷ đồng; khởi tố hình sự 5 đối tượng...
Nguyên nhân vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất - kinh doanh TPCN là: sản xuất - kinh doanh TPCN không đảm bảo chất lượng, quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPCN... Điển hình là 2 vụ bắt giữ TPCN giả với tổng khối lượng lên tới 32 tấn, diễn ra vào tháng 1 và tháng 6 năm 2015 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết, số TPCN giả trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập qua đường tiểu ngạch. Khi chuyển đến các cơ sở buôn lậu, chúng sẽ được đóng gói, gắn nhãn mác và mang đi tiêu thụ với giá không khác sản phẩm thật.
Việt Nam là một trong những thị trường có nhu cầu tiêu thụ TPCN mạnh. Nếu như năm 2000, trên cả nước có 13 cơ sở sản xuất - kinh doanh TPCN thì đến cuối năm 2012, con số này tăng lên 1.781 cơ sở. Hiện thị trường trong nước sản xuất hơn 60% số sản phẩm TPCN, 30% còn lại được nhập khẩu. Theo số liệu được công bố của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), cứ 100 người ở Hà Nội thì có 56 người sử dụng TPCN, tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 48/100. Với nhu cầu sử dụng lớn như hiện nay, trong tương lai TPCN sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho những đối tượng muốn làm giàu từ kinh doanh phi pháp.
“SẢN PHẨM NÀY KHÔNG PHẢI LÀ THUỐC”
Theo Thông tư số 08/2004/TT-BYT, hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm TPCN của Bộ Y tế thì: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”. Tại khoản 1 và 2, Điều 7, Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN nêu rõ: Việc quảng cáo TPCN phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường. Như vậy, TPCN không hề có tác dụng chữa bệnh như thuốc. Tuy nhiên, vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu “thần thánh hóa” công dụng của TPCN nhằm trục lợi.
Sáng 14-12-2015, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt đối với các công ty sản xuất TPCN vi phạm nhiều lần trong quảng cáo với tổng số tiền gần 177 triệu đồng, đồng thời thu hồi 2 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Như vậy, trong năm 2015, đã có 102 cơ sở vi phạm về quảng cáo TPCN bị xử lý (chiếm 97,1% số cơ sở vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh và quảng cáo TPCN). Đây là “cú đánh” mạnh đến những doanh nghiệp muốn lợi dụng quảng cáo để “thổi phồng” công dụng của TPCN, thu lợi bất chính. |
Tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng TPCN” diễn ra ngày 29-12-2015, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP khẳng định: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “loạn” TPCN hiện nay chủ yếu đến từ hệ thống quy định trong việc sản xuất - kinh doanh, quảng cáo TPCN còn lỏng lẻo; quảng cáo “thổi phồng” công dụng TPCN còn nhiều; các hành vi nhập lậu TPCN còn tồn tại. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về TPCN thiếu, không chỉ gây hại đến sức khỏe người dân mà sự nhiễu loạn trên thị trường còn tác động xấu đến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh TPCN chân chính.
TPCN là một loại thực phẩm tốt, có thể tăng cường hỗ trợ chức năng cho cơ thể con người. Do vậy, trong thời gian tới, để việc sử dụng TPCN của người dân an toàn và hiệu quả hơn, rất mong Bộ Y tế cùng các ngành chức năng có những quy định cụ thể, rõ ràng trong sản xuất - kinh doanh và quảng cáo TPCN; tăng cường công tác thanh - kiểm tra, kịp thời xử lý những đơn vị sai phạm, quảng cáo sai sự thật; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng; tích cực giáo dục, nâng cao nhận thức người dân về TPCN... Đối với người tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ bản chất của TPCN trước khi sử dụng là cách tốt nhất để bảo vệ, nâng cao sức khỏe bản thân.
Thế Tường
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065