BP - Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi trở lại thăm căn cứ Quân ủy, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh). Nắng sớm chiếu qua từng tán lá, gió xuân vùng chiến khu cũ lay động từng khóm cây, bụi cỏ làm cho cảnh vật Tà Thiết vừa lạ vừa rất đỗi thân quen. Nhà lưu niệm của cố thượng tướng Trần Văn Trà, nhà của Chính ủy Phạm Hùng, tướng Lê Đức Anh, hầm chữ A, hội trường, trạm xá... và căn nhà của nữ tướng Nguyễn Thị Định vẫn ấm áp dưới tán rừng. Qua lời kể của hướng dẫn viên, sổ vàng di tích và những dấu tích trong hai cuộc kháng chiến, chúng tôi mới biết cô Ba Định đã có những dấu ấn rất đặc biệt trên đất Bình Phước năm xưa. Nay những nơi cô Ba Định từng đặt chân đã thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Chân dung cô Ba Định tại nhà truyền thống Tà Thiết Sau ngày cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cô Ba Định lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và Nhà Nước, trong đó có chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho đến lúc từ trần vào năm 1992. Đặc biệt, cô Ba Định được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 30-8-1995. |
HIỆN TƯỢNG ĐẶC BIỆT CỦA LỊCH SỬ
Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất thì cô Ba Định được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Phó tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là lần thứ hai cô Ba Định đặt chân đến Bình Phước để cùng Bộ Tư lệnh Miền vạch đường lối cho trận chiến đấu cuối cùng để giải phóng miền Nam. Tại buổi lễ giao nhiệm vụ mới cho cô Ba Định, Bác Hồ đúc kết rất giản dị nhưng là sự khẳng định về một hiện tượng đặc biệt: “Phó tổng tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Cô Ba Định sinh ngày 15-2-1920 trong một gia đình nông dân đông con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Được giác ngộ cách mạng từ nhỏ nên khi 16 tuổi cô Ba đã tham gia các hoạt động yêu nước như làm liên lạc cho các vị tiền bối, rải truyền đơn, chống áp bức, chống tô thuế, truyền bá tư tưởng yêu nước qua văn thơ của cụ Đồ Chiểu... Năm 1938, cô Ba vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Do những hoạt động yêu nước tại quê nhà nên năm 1938 cô Ba Định đã bị thực dân Pháp bắt và giam cầm 5 năm ở nhà lao Bà Rá (nay thuộc thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước).
Một năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cô Ba Định bí mật đưa đoàn công tác của các tỉnh miền Tây ra Bắc báo cáo với Bác Hồ về tình hình miền Nam và xin thêm vũ khí đánh giặc. Tháng 11-1946, cô Ba Định trở lại Bến Tre bằng đường biển với một đoàn thuyền chở vũ khí miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Pháp.
Sau năm 1954, Mỹ hất cẳng Pháp để độc chiếm miền Nam Việt Nam, cô Ba Định trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng ở Bến Tre. Năm 1960, với cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cô Ba đã cùng Tỉnh ủy lãnh đạo “đội quân tóc dài” ở các xã thuộc huyện Mỏ Cày thực hiện phong trào Đồng Khởi, sau đó phong trào lan rộng khắp tỉnh Bến Tre và trở thành hiện tượng chống ngoại xâm nổi tiếng trên thế giới. Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Để phù hợp với tình hình, năm 1965, Đảng và Nhà nước giao trọng trách Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam cho cô Ba. Lúc này, cô Ba Định chuyển về hoạt động tại chiến khu Tà Thiết cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Cũng tại căn cứ này, năm 1974, cô Ba Định được phong hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
CAN TRƯỜNG PHẬN NỮ NHI
Lần đầu tiên cô Ba Định đặt chân đến Bình Phước trong hoàn cảnh lao tù, nhưng truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đã hun đúc thêm sự can trường của người nữ chiến sĩ cộng sản.
Đất Bà Rá những năm 30 của thế kỷ trước là vùng lam sơn chướng khí nên thực dân Pháp xây dựng ngục tù để đày ải những chiến sĩ trung kiên hòng dập tắt ý chí chiến đấu của người cộng sản. Thế nhưng, khi bị đưa lên căng Bà Rá, cô Ba Định cùng các đồng chí của mình biến nơi địa ngục trần gian thành trường học cách mạng, truyền bá những chính sách, chủ trương của Đảng về cách mạng giải phóng dân tộc. Không dập tắt được ý chí của cô Ba Định cùng đồng chí của cô bằng ngục tù, kẻ thù đã dùng đòn roi tàn bạo nhất để tra tấn và bắt lao động khổ sai... nhằm triệt thoái dần ý chí kiên cường của người cộng sản. Thế nhưng, tất cả những hành vi thâm độc của kẻ thù không làm lay chuyển ý chí sắt đá của cô Ba Định cùng đồng đội. Năm 1943, thực dân Pháp buộc phải dùng biện pháp quản thúc tại gia để giam lỏng cô Ba Định. Ngày trở về quê nhà trong sự theo dõi của bọn mật thám, tay sai, cô Ba Định vẫn tìm cách liên lạc với đồng đội để tiếp tục hoạt động.
Căn nhà của cô Ba Định tại căn cứ Tà Thiết
Khi đã trở thành Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và cả khi là người lãnh đạo phong trào Đồng Khởi, cô Ba Định luôn thể hiện tài năng lãnh đạo, khí phách kiên trung của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những quyết định sáng suốt trong công tác binh vận, vận động quần chúng, mở đường vận tải chiến lược trên biển. Tại khu rừng Tà Thiết của hơn 40 năm trước, những ý kiến chỉ đạo của vị Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam luôn gắn liền với những thành công của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn. Đặc biệt, sự có mặt của cô Ba Định trong Bộ Tư lệnh Miền đã góp phần lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân. Qua đó khẳng định lời đánh giá của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam cho cô Ba Định không chỉ là lời động viên mà là sự kết tinh của truyền thống dân tộc “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã tạo nên khí phách người phụ nữ Việt Nam thế kỷ XX.
TÍCH XƯA THÀNH ĐỊA CHỈ ĐỎ
Bà Rá hôm nay đã vươn mình thành một khu du lịch dã ngoại, tâm linh và địa chỉ đỏ của tỉnh Bình Phước. Ở khu du lịch này đã được đầu tư xây dựng tuyến cáp treo, chùa chiền cùng hàng loạt danh mục vui chơi giải trí phục vụ du khách gần xa. Đặc biệt, dấu tích về một thời đau thương, nơi đày ải những người con trung kiên của cách mạng đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Ở đây, có miếu thờ những chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng. Có bia đá ghi lại vết tích chiến tranh, tội ác của kẻ thù. Khách thập phương đến với Bà Rá sau khi du ngoạn phong cảnh hữu tình sẽ không quên đến đồi Bằng Lăng dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ như một sự tri ân. Để nghe kể về câu chuyện của hơn 5 năm (1938-1943) cô Ba Định đã biến nơi địa ngục trần gian này thành trường học cách mạng.
Dấu xưa trên đất Bà Rá hôm nay là vườn cây lưu niệm do cô Ba Định trồng thời bị đày ải hiện còn 2 cây vú sữa, 2 cây khế nay đã thành cổ thụ. Vườn cây này hiện nằm trên địa bàn phường Sơn Giang, là điểm đến cho du khách gần xa khi về với Bà Rá hôm nay.
Còn tại khu căn cứ Tà Thiết, căn nhà của cô Ba Định vẫn ấm áp dưới tán lá rừng. Chị Trương Thị Yến, hướng dẫn viên khu di tích căn cứ Tà Thiết cho biết: “Căn nhà của cô Ba Định được làm hơn 40 năm trước, tức sau khi cô về nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh Miền. Căn nhà được thiết kế nửa nổi nửa chìm để tránh bom, đạn. Mái lợp bằng lá trung quân lấy tại rừng Tà Thiết. Loại lá này có độ bền cao và không bị cháy khi bị bom napan của địch thả xuống nên rất hữu ích trong vùng chiến khu”. Nằm sát nhà của cô Ba Định có một hố lớn do giặc thả bom trong một trận càn. Nay dấu tích hố bom vẫn còn, căn nhà cũ vẫn nguyên, trong căn nhà chỉ có một bộ bàn ghế làm việc đơn sơ và một chiếc giường để cô Ba Định nghỉ ngơi. Từ lúc cô Ba Định mất, Ban quản lý khu di tích đặt thêm một bàn thờ nhỏ để du khách dâng hương khi ghé thăm vị nữ tướng.
Xuân mới đang về, rừng Tà Thiết, núi Bà Rá - nơi đã từng in dấu chân cô Ba Định, hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Chiếc áo của một thời máu, lửa và hoa ấy bây giờ có thêm vai trò của một chứng tích lịch sử quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước. Những địa chỉ đỏ này có giá trị to lớn về mọi mặt, nhất là giá trị giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Mời bạn về thăm Tà Thiết, Bà Rá mùa Xuân này để lòng thêm thanh thản, để lạc vào chuyện cổ tích, hòa mình vào lịch sử, vào thiên nhiên và sống lại một thời gian lao mà anh dũng của cả dân tộc.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065