Có thể nói, trong lịch sử của thể thao Việt Nam tham gia SEA Games chưa có lần nào thắng lợi toàn diện như kỳ đại hội vừa kết thúc trên đất nước Philippines. Thắng lợi toàn diện, tức là các môn thể thao tham gia đều giành kết quả tốt, số lượng huy chương lớn, vượt chỉ tiêu về vị trí và vượt cả Thái Lan, với số lượng huy chương vượt trội. Điều ấn tượng là đoàn thể thao Việt Nam thắng lợi ở các môn Olympic và bảo vệ thành công ngôi bóng đá nữ, lần đầu tiên “xưng vương” bóng đá nam, chấm dứt 60 năm khắc khoải chờ đợi tấm HCV tại SEA Games của bóng đá nam. Không chỉ là kỳ đại hội thành công “ngôi hậu”nhất lịch sử thể thao Việt Nam, SEA Games 30 còn là nơi chứng kiến ý chí, sự nỗ lực, vượt lên mọi giới hạn của các vận động viên Việt Nam, khiến cả Đông Nam Á thán phục. Tất cả đều mang đậm dấu ấn của “tinh thần Việt Nam”.
Kỳ tích điền kinh
Giành 16 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ, điền kinh Việt Nam tiếp tục vượt lên Thái Lan để xếp nhất toàn đoàn.Cuộc lội ngược dòng mạnh mẽ ở ngày thi đấu cuối cùng và cả những tấm huy chương đầy kịch tính trong 5 ngày thi đấu đã giúp điền kinh Việt Nam khiến đối thủ phải nể phục.
Vận động viên Lê Tú Chinh - nữ hoàng đường chạy 100m
Bảo vệ vững chắc ngôi nhất toàn đoàn, điền kinh Việt Nam bỏ xa Thái Lan (12 HCV) và chủ nhà Philippines (11 HCV), bất chấp việc 2 đối thủ này nhập tịch dồn dập các vận động viên gốc Mỹ, Phi. Cuộc cạnh tranh cho ngôi nhất toàn đoàn môn điền kinh đã diễn ra quyết liệt giữa Việt Nam và Thái Lan. 2 năm trước, điền kinh Việt Nam bất ngờ thi đấu thành công khi đem về 17 HCV, qua đó dẫn đầu môn thể thao “nữ hoàng”. 2 năm sau, người Thái muốn đòi lại ngôi số 1 nhưng bất thành. Trước ngày thi đấu cuối cùng của môn điền kinh, Thái Lan có 11 HCV, trong khi con số này của Việt Nam là 10. Dù vậy, sự bứt phá ngày thi cuối với 6 HCV đã giúp điền kinh Việt Nam một lần nữa dẫn đầu, hơn Thái Lan 4 HCV. Trong đó, các vận động viên Việt Nam thuộc tổ 400m thắng áp đảo khi giành 6 trong tổng 7 HCV, cùng với đó là các cự ly 800m, 1.500m và 3.000m.
Vận động viên giàu thành tích nhất
Đến với SEA Games 30, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đăng ký 12 nội dung thi và chung cuộc giành 6 HCV ở các nội dung 200m hỗn hợp, 100m bơi ngửa, 200m bơi ngửa, 200m tự do, 400m tự do, 400m hỗn hợp. Cô là vận động viên Việt Nam giành nhiều HCV nhất, đồng thời là nữ vận động viên giàu thành tích nhất đại hội. Ánh Viên được Ban tổ chức SEA Games 30 trao giải thưởng đặc biệt cho vận động viên nhiều thành tích nhất, dù rất cố gắng để giải thưởng danh giá này về tay 1 trong những vận động viên tiêu biểu của nước chủ nhà Philippines Caslos Yulo - vận động viên môn thể dục dụng cụ. Tuy nhiên, so về thành tích, Yulo kém xa Ánh Viên, người đã sở hữu 6 HCV, 2 HCB tại kỳ Sea Games 30.
Nguyễn Thị Ánh Viên - vận động viên giàu thành tích nhất tại SEA Games 30
vận động viên 16 TUỔI THIẾT LẬP KỶ LỤC SEA GAMES NỘI DUNG 400m
Vận động viên trẻ triển vọng nhất không ai khác đó là kình ngư 16 tuổi của bơi lội Việt Nam Trần Hưng Nguyên. Cách đây 2 năm ở SEA Games 29, Nguyễn Hữu Kim Sơn giành HCV và lập kỷ lục đại hội ở nội dung 400m khi đánh bại Aflah Fadlan Prawira (Indonesia) với chênh lệch chỉ 0,5 giây. Tại SEA Games 30, Fadlan Prawira vượt qua Nguyễn Hữu Kim Sơn với cách biệt lên tới vài giây. Tuy nhiên vận động viên của Indonesia vẫn không thể đổi màu huy chương vì thua một kình ngư trẻ tuổi khác của Việt Nam là Trần Hưng Nguyên. “Thần đồng bơi lội” trước đó đã giành HCV 200m hỗn hợp. Ngay trong lần đầu tham dự SEA Games, Nguyên đã lập ngay “cú đúp vàng”. Nguyên được kỳ vọng là “mỏ vàng” của bơi lội và thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế trong tương lai.
Tuổi 16 với kỷ lục SEA Games mở ra tương lai tươi sáng cho Trần Hưng Nguyên
vận động viên oanh liệt nhất
Nếu để chọn ra một vận động viên oanh liệt nhất tại đại hội, đó có lẽ là Nguyễn Thị Oanh ở môn điền kinh. Cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, cao 1m47 đã xuất sắc mang về tấm HCV nội dung chạy 1.500m vào ngày 8-12, trong sự thán phục của mọi người. Thế nhưng, bất ngờ lớn nhất là 2 ngày sau, Oanh tiếp tục vô địch nội dung khắc nghiệt khác là 5.000m vào buổi sáng, rồi tiếp tục giành HCV, phá kỷ lục 3.000m vượt chướng ngại vật, trong sự thán phục của khán giả. Nguyễn Thị Oanh cũng là vận động viên điền kinh duy nhất lịch sử giành 3 HCV cá nhân trong một kỳ đại hội.
Cô gái xinh đẹp, nhỏ nhắn Nguyễn Thị Oanh đã chiến đấu hết mình cho vinh quang của điền kinh với 3 tấm HCV
vận động viên được báo chí khu vực tôn vinh
Sau khi vắt kiệt sức để hoàn thành chặng marathon (42km) khắc nghiệt với tấm HCĐ, vận động viên Phạm Thị Hồng Lệ đã quỵ ngã ngay khi cán đích. Cô được cấp cứu trong phòng y tế, phải thở ôxy và sau đó nhờ đồng đội mặc chiếc quần dài, dìu lên bục nhận huy chương. Chứng kiến hình ảnh hy sinh vì màu cờ sắc áo, không chỉ đồng đội của cô mà tất cả khán giả đều không kiềm được sự xúc động. Tấm huy chương của ý chí, nghị lực và khát khao vươn tới thành công của Hồng Lệ là hình ảnh đẹp của thể thao Việt Nam tại đại hội này.
Phạm Thị Hồng Lệ - vận động viên gây xúc động nhất tại SEA Games 30 với tinh thần thể thao cao thượng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065