Bài 1: Trao yêu thương, ươm nụ cười
Trong chuỗi hành trình tình nguyện về với đồng bào nghèo vùng biên huyện Bù Gia Mập, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã đem đến cho nhiều em nhỏ trên tuyến biên giới những trải nghiệm, kỳ nghỉ thú vị và đầy ắp tiếng cười. Các em không chỉ được tham gia nhiều trò chơi dân gian, học kỹ năng sống mà còn được làm quen với môn tin học.
Lớp ôn tập hè luôn hấp dẫn các em nhỏ vùng sâu bởi sinh viên tình nguyện biết lồng ghép thêm các tình huống kỹ năng sống
Thầy và trò ở lớp ôn tập hè
Cứ 13 giờ 30 phút các ngày trong tuần, ở nhà văn hóa thôn 3, xã Đắk Ơ lại rộn vang tiếng đọc bài, tiếng cười nói của các em nhỏ S’tiêng. Lớp ôn tập hè được anh chị sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” về tổ chức hơn nửa tháng nay đã tạo nhiều dấu ấn trong lòng học sinh và phụ huynh. Điều đặc biệt, các em không chỉ học chữ, luyện đọc, làm toán, tập vẽ mà còn được thực hành nhiều kỹ năng sống, kỹ năng sơ cứu.
Phương Nghi, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được phân về đội hình ôn tập hè cho các em ở thôn 3, xã Đắk Ơ. Đây là thôn có hơn 80% số dân là đồng bào S’tiêng. Cũng như nhiều thanh niên tình nguyện, Phương Nghi cùng ở, cùng ăn và sinh hoạt với người dân. Vốn hoạt bát, Phương Nghi luôn làm chủ tình huống trong các buổi dạy học và hướng dẫn kỹ năng sống cho các em. Phương Nghi cho biết: Hằng ngày, chúng em dạy các bạn nhỏ tập đọc, tập viết, làm quen với môn Toán... Đội hình 8 sinh viên tình nguyện ở điểm ôn tập hè thôn 3 còn chủ động xây dựng nhiều chương trình dạy kỹ năng sống cho các em như cách phòng tránh tai nạn đuối nước, phỏng lửa, rắn cắn hay giao tiếp... Bởi thế, từ một cậu bé nhút nhát, thường thu mình trong góc lớp, em Điểu Hoàng (6 tuổi) đã hòa nhập với các bạn, biết chào hỏi các anh chị khi đến lớp và ra về. Thậm chí Hoàng còn mạnh dạn phát biểu trong một số tình huống ở phần kỹ năng sống. Điều khiến mọi người vui là thấy các em hào hứng học tập từng ngày và nhận được sự quan tâm từ phụ huynh. Lớp học hè ở thôn 3 luôn có từ 25-30 bạn tham gia. Em Điểu Thị Thu Thuyền, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh hào hứng nói: “Em rất thích đi học. Đi học hè em biết nhiều bài thơ. Vui hơn là các anh chị dạy cho chúng em biết nhiều cách phòng tránh tai nạn trong cuộc sống. Sau mỗi ngày đi học em đều kể cho ba mẹ nghe và được cả nhà khen. Do đó, chiều nào em cũng đến lớp”.
Lần thứ hai tham gia tình nguyện hè ở tỉnh Bình Phước, bạn Ngô Quốc Bảo, sinh viên năm 3 Trường đại học Kinh tế cho rằng: Đất Bình Phước có nhiều tiềm năng nhưng cuộc sống người dân vẫn còn nghèo. Đồng bào ở Bình Phước sống nghĩa tình nhưng ý thức trong phát triển kinh tế, giáo dục còn thấp. Do đó tôi vẫn về làm tình nguyện ở đây. Lần đầu tham gia lớp ôn tập hè, các em người S’tiêng rất nhút nhát và nhiều em chưa biết chữ, tuy nhiên chiều nào các em cũng háo hức tới lớp. Buổi trưa, tối các em tìm đến nhà anh chị tình nguyện để vui chơi khiến chúng tôi rất cảm động. Không chỉ các em, đồng bào S’tiêng ở đây chất phác và thật thà, họ cho đoàn tình nguyện khi thì chai nước mắm, nắm rau rừng, đến con gà nuôi được... Chúng tôi tranh thủ học tiếng của đồng bào S’tiêng để giao tiếp thân mật hơn. Chúng tôi thật sự thấy ấm áp khi về dạy học cho các em nơi miền biên giới này!
Đưa tin học về biên giới
Không chỉ tổ chức lớp học văn hóa, tạo sân chơi hay cùng người dân tăng gia sản xuất, phát quang đường thôn... sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” 2016 còn truyền đạt cho các em và người dân vùng sâu huyện Bù Gia Mập những kiến thức cơ bản về tin học. Bạn Trần Thiên Dương, thành viên Ban chỉ huy mặt trận Bình Phước, phụ trách đội hình chuyên, cho biết: “Trong chiến dịch tình nguyện 2016 tại Bình Phước, sinh viên Trường đại học Kinh tế mang về 5 máy tính bàn và máy chiếu để dạy các em làm quen với tin học cơ bản. Chúng tôi mở 2 lớp tin học ở các xã Phú Văn và Đa Kia. Đối với xã Đa Kia đã có hệ thống máy móc của nhà trường nên đội hình tình nguyện chỉ tiếp nhận học viên và dạy học. Riêng xã Phú Văn, chúng tôi mượn phòng học của Trường tiểu học Hai Bà Trưng, còn máy tính do đoàn tình nguyện trang bị. Lớp tin học được tổ chức đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Đối với các em bậc tiểu học chưa từng làm quen với tin học, đội sẽ hướng dẫn từ cách mở, tắt máy và những kiến thức cơ bản. Đối với học sinh bậc THCS, đội hướng dẫn sử dụng Word, Excel, Power Point và các cơ sở dữ liệu, thao tác trên dữ liệu, các bài tập nâng cao, một số kỹ năng và cách kết nối internet”... Em Nguyễn Đỗ Yến Vi, 9 tuổi, học sinh Trường tiểu học Hai Bà Trưng, nói: “Khi mới nghỉ hè, em ở nhà phụ mẹ bán bánh mì. Sau đó, các anh chị tình nguyện đến nhà vận động đi học lớp tin học, em đã xin mẹ tham gia. Ngày nào em cũng đi học. Bây giờ em đã thực hành thành thạo tắt, mở máy tính. Em có thể vẽ các hình ảnh trên máy tính và thực hiện một số thao tác khác”.
Bạn Phạm Thị Mỹ Tiên, sinh viên năm 3, Khoa Tin học, Trường đại học Kinh tế cho biết: Tại xã Phú Văn, đội hình chuyên tin học gồm 5 bạn phụ trách hướng dẫn 25 em ở các bậc học tiểu học và THCS vào ban ngày. Buổi tối, chúng em tranh thủ hướng dẫn các cô chú cán bộ xã kỹ năng sử dụng máy tính, trình chiếu, một số lỗi thường gặp trong tin học...
Bù Gia Mập là huyện vùng sâu, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn và ý thức về học tập còn hạn chế. Bởi vậy, việc truyền đạt kiến thức tin học đến với học sinh, người dân đã đem lại làn gió mới kích thích các em nhỏ thêm say mê học tập, giúp cán bộ, người dân vùng quê thuận lợi hơn trong công việc và cuộc sống.
Cẩm Liên - Vũ Nam
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065