Khơi dậy đam mê sáng tạo
Cuộc thi năm nay thu hút 200 học sinh đến từ 7 đơn vị phòng giáo dục, 15 trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh tham gia, với 136 dự án thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin; sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ khí hóa; tự động hóa và khoa học môi trường; công nghệ sinh học, nông nghiệp; KH-KT... Trong đó, lĩnh vực KH-KT có số lượng tham gia nhiều nhất với 54 dự án. Học sinh phụ trách dự án trải qua 2 phần thi, gồm dự án khoa học và dự án kỹ thuật với các tiêu chí đánh giá: Vấn đề nghiên cứu; câu hỏi nghiên cứu; kế hoạch nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu; tiến hành nghiên cứu; tính sáng tạo và trình bày...
Ông Hồ Hải Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Phó trưởng Ban tổ chức cho biết: Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo KH-KT, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống; là cơ hội cho những học sinh đam mê nghiên cứu KH-KT được thể hiện khả năng, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm. Cuộc thi cũng góp phần tích cực đối với đội ngũ thầy, cô giáo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Kết quả cuộc thi sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục của các trường và ngành giáo dục tỉnh. Tỉnh sẽ lựa chọn 6 sản phẩm tiêu biểu tham gia cuộc thi cấp quốc gia diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng vào tháng 3-2018.
Các dự án tham dự cuộc thi năm nay đã phản ánh sự phát triển của KH-KT từ thực tiễn học tập, sản xuất đến đời sống hằng ngày. Đáng chú ý, số sản phẩm, mô hình thuộc lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế chiếm tỷ lệ khá cao. Điều đó cho thấy, các em đã có sự chú trọng đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, cũng như ứng dụng thiết thực trong đời sống và sản xuất. Thành công này đến từ việc tuyên truyền, định hướng ngay từ đầu của ban tổ chức cấp huyện, cấp tỉnh trước vấn đề ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo, phụ huynh đã tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện để khơi dậy niềm đam mê của các em trong thi đua học tập và thực hiện ý tưởng sáng tạo.
Ứng dụng vào đời sống
Dự án “Chậu trồng cây thông minh” của nhóm tác giả Nguyễn Trần Thùy Linh, Nguyễn Minh Triều thuộc Trường THPT Đồng Xoài (Đồng Xoài) nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rau sạch ít tốn công chăm sóc. Nhóm tác giả tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt làm thức ăn nuôi trùn quế, phân trùn quế tạo dưỡng chất cung cấp cho cây thay vì phải dùng các loại phân bón hóa học, còn trùn làm thức ăn chăn nuôi gia cầm. Nhờ thiết kế hệ thống dẫn nước tưới tự động, vận dụng nguyên lý của hiện tượng mao dẫn (không tốn năng lượng điện...), dự án giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Chia sẻ về sản phẩm, Nguyễn Minh Triều cho biết: “Mẹ em và hàng xóm trồng rau, nuôi gà thường tốn sức lao động, chi phí và mất nhiều thời gian. Từ đó chúng em nảy sinh ý tưởng sáng tạo rồi vận dụng kiến thức đã học và chế tạo thành công sản phẩm. Đây là sản phẩm mới chưa có trên thị trường, được làm từ các vật liệu sẵn có, vừa xử lý rác thải sinh hoạt vừa thu được rau, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và lấy trùn quế làm thức ăn nuôi gia cầm”.
Nhiều sản phẩm tại cuộc thi năm nay rất thiết thực, có tính ứng dụng cao trong thực tế như: Mô hình “Máy phát cỏ, thổi lá điều khiển từ xa” của nhóm tác giả Lê Duy Đạt, Phạm Tuấn Hưng, Trường THCS Đoàn Đức Thái (Bù Đăng). Đạt cho biết: Ý tưởng của nhóm xuất phát từ việc phát cỏ, dọn vệ sinh sân trường. Hơn nữa, năm nào ba mẹ em và người nông dân Bình Phước cũng tốn rất nhiều công sức, thời gian quét dọn vườn điều, thổi lá chống cháy cho cao su, nhóm đã thêm chức năng thổi lá. Sản phẩm sử dụng ở đất bằng và hơi dốc, nhược điểm là dùng bình ắc quy nên chỉ dùng trong thời gian ngắn phải sạc điện.
Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tác động môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, nhóm tác giả Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Thị Hoài Linh đang học Trường THPT Thống Nhất (Bù Đăng) đã thực hiện dự án “Hệ thống hấp thụ khói bụi nhà máy”. Hệ thống thu gom khói bụi dùng quạt hút gió gom khói, bụi, khí độc, khí có mùi từ ống khói nhà máy đẩy vào buồng lắng bụi bằng hệ thống phun sương. Các hạt nước li ti sẽ dính ướt, tăng trọng lượng hạt bụi và rơi xuống đáy buồng lắng bụi để xử lý. Sau đó, tách nước ở đáy buồng bằng ống tràn và màng thẩm thấu để tiếp tục bơm phun sương theo chu trình khép kín. Hệ thống còn có bộ phận hấp thụ khói bằng than hoạt tính nhằm giảm mùi hôi, khí độc. Khói, khí độc được quạt gió hút và đẩy vào hệ thống hấp thụ thứ cấp, được làm giống bếp Hoàng Cầm với chiều dài từ 400-500m. Nơi xả khí sau cùng là vườn cây để cây tiếp tục hấp thụ, trả lại khí sạch cho môi trường sống.
Cuộc thi không chỉ giúp học sinh thay đổi cách nhìn, hứng thú trong học tập mà còn là động lực để các em tham gia sáng tạo. Đặc biệt, ngày càng có nhiều sản phẩm khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống, hướng tới người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận khoa học - công nghệ khắc phục khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất mà không phải chi phí lớn. Các sản phẩm được học sinh đầu tư rất kỹ lưỡng, bài bản, khoa học thể hiện sự đam mê sáng tạo của mình.
Mai Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065