Lướt canô “rẽ sóng” vào Đất Mũi
Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng mong được một lần được đặt chân đến địa đầu Tổ quốc và được đến tận Đất Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) để nhìn thấy biển trời bao la, vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Đầu tháng 12-2012, trong một chuyến công tác miền Tây, chúng tôi đã có dịp được đến nơi đây, được tận mắt chứng kiến những gì thiêng liêng nhất của mảnh đất này nói riêng và của đất nước ta nói chung.
Nếu trước đây, từ Cà Mau muốn về Đất Mũi phải đi hơn 2 tiếng bằng canô cao tốc thì nay khoảng cách đã được rút ngắn lại chỉ còn khoảng 1 tiếng nhờ có đường bộ mới mở từ Cà Mau đến huyện Năm Căn dài hơn 52km.
Chiếc canô do tài công Huỳnh Thanh Bảo Thắng nhấc mũi cao, chạy thần tốc, xé gió, lao như bay trên nước rồi lượn nghiêng qua những khúc cua khiến mọi người phải nín thở rồi lại nhìn nhau mỉm cười, đầy thú vị! Trong số chúng tôi, đa số là lần đầu tiên đến với Cà Mau và ra Đất Mũi nên ai cũng nôn nao, háo hức...
Vốn là dân bản địa, anh Thắng liên tục biểu diễn kỹ năng đua xe trên nước bằng cách ngoặt tay lái uốn lượn thành thạo trên con lạch chằng chịt xen lẫn các hộ dân sống ven bờ bãi bồi.
Giọng hào hứng, pha chút khản đặc của dân sông nước, anh Thắng bảo rằng, chưa đến Cà Mau thì chưa phải là vào Đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc trưng của Cà Mau là nhà dân sống bao quanh ven hệ thống sông ngòi và huyện Ngọc Hiển chính là mảnh đất điển hình của vùng đất Mũi Cà Mau này.
Quả đúng là như vậy. Hơn 1 tiếng ngồi trên cano chạy với tốc độ tới 50km/giờ, chúng tôi đã được tận mắt ngắm cảnh dòng sông Cửa Lớn đổ ra biển Tây, biển Đông đã chia cắt Cà Mau thành bán đảo.
Huyện Ngọc Hiển, cái tên gắn liền với người anh hùng Nguyễn Ngọc Hiển, người châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa ở đảo Hòn Khoai (xã Đất Mũi, Cà Mau) vào năm 1940 vốn dĩ được tách ra từ chính huyện Năm Căn.
Với địa hình bán đảo, hệ thống sông ngòi dày đặc và sản vật thiên nhiên phong phú, huyện Ngọc Hiển vẫn là vùng đất hoang sơ, nơi chỉ có con đường giao thương, liên lạc duy nhất là chính những chiếc ghe, thuyền độc mộc cỡ nhỏ.