Liên quan đến sự nghiệp “trồng người”, ở tỉnh ta vừa diễn ra hai sự kiện quan trọng. Đó là lễ tuyên dương, khen thưởng 100 học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc và đoàn học sinh của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2012-2013 đã xuất sắc giành đến 46 giải. Những con số hết sức ấn tượng này đã làm nức lòng nhiều người.
Mấy năm gần đây, Bình Phước luôn tự hào là địa phương có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học vào loại cao của cả nước. Trong đó, trường THPT chuyên Quang Trung
là cái nôi của nhiều thủ khoa, á khoa của các trường đại học. Điều đó chứng minh rằng, về nguồn lực con người, tỉnh ta có rất nhiều “hạt giống” tốt. Nhưng có một thực tế rất đáng buồn hiện nay là sau khi tốt nghiệp đại học, các em hầu như không muốn về công tác tại tỉnh nhà. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu trong số 100 em vừa được tỉnh tuyên dương sau khi tốt nghiệp có ai tình nguyện về tỉnh công tác không? Hay các em quyết bám trụ ở lại thành phố để “đầu quân” cho các công ty nước ngoài với mức lương, thưởng hậu hĩnh và môi trường làm việc thuận lợi. Trong khi quê hương Bình Phước đang “trải thảm đỏ” để chiêu hiền đãi sĩ. Tại sao lại xảy ra nghịch lý này? Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của một số bạn trẻ, tôi đã phần nào tìm được câu trả lời. Thứ nhất, cơ chế tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước vẫn “khép kín”, chậm được đổi mới, tình trạng “nhất thân, nhì quen” vẫn còn khá phổ biến. Nên nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi của các trường đại học danh tiếng vẫn khó “chen chân” vào được. Thứ hai là môi trường làm việc và chế độ lương, thưởng vẫn còn “cào bằng”, người làm việc tốt cũng như người... có cũng được, không có cũng chẳng sao! Trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, quan niệm “nhất hậu duệ, nhì quan hệ”, “sống lâu lên lão làng” vẫn chưa được xóa bỏ. Một cô tốt nghiệp thạc sĩ, “nhờ quen biết” nên được nhận vào làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước. Nhưng lãnh đạo thấy cô trẻ quá nên không dám... giao việc. Mặc dù rất buồn song cô vẫn chấp nhận cảnh “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”... vì nhiều bạn bè như cô có nằm mơ cũng không xin vào được!
Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó quan trọng hàng đầu là đổi mới mạnh mẽ cơ chế tuyển dụng, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ... Chúng ta đừng kỳ vọng quá cao là sẽ thu hút được nhiều bác sĩ chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ... về công tác tại Bình Phước. Trước mắt, phải thu hút cho bằng được con em Bình Phước tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên về công tác tại tỉnh nhà. Đồng thời có chính sách hỗ trợ vật chất, tinh thần, “ươm mầm” những em học sinh giỏi của các trường THPT trong tỉnh. Thậm chí là “đặt hàng” theo ngành, nghề mà tỉnh còn thiếu, yếu để các em sau khi ra trường quay về phục vụ quê hương. Song song đó là tiến hành rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở. Những trường hợp không đạt chuẩn phải khẩn trương thay thế kịp thời. Cha ông ta vẫn nói “đất lành chim đậu”. Điều quan trọng là làm sao giữ cho “chim” sinh sôi nảy nở, gắn bó với mảnh đất này, đem tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mình góp phần làm cho Bình Phước ngày càng phát triển. Nếu không, “chim đậu” nhất thời rồi chim lại... vỗ cánh bay đi!
Ngọc Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065