Sáng 16-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Hạn chế tình trạng cào bằng trong hỗ trợ doanh nghiệp
Dịch COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội thế giới và trong nước.
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo hướng kịp thời, đúng đối tượng, nhằm đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, bởi nhóm này chiếm đến đến 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp trên 45% GDP, tạo việc làm cho 51% lao động. Đồng thời, đây cũng là những doanh nghiệp còn yếu và thiếu toàn diện về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, năng lực quản lý và khả năng tiếp cận tín dụng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên có chính sách hỗ trợ đối với cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được năm 2017 đã trải qua gần ba năm triển khai thực hiện, song hầu hết các doanh nghiệp này chưa được hưởng thụ những chính sách rất tốt do Luật quy định.
Các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam rất mong có công nghiệp hỗ trợ, nhưng họ không thể tìm được doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam để hợp tác. Hầu hết linh kiện phải nhập từ Trung Quốc và các nước khác.
Đại biểu đặt vấn đề các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa được hỗ trợ cho phát triển trước tình hình trên, tất cả các doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động đơn lẻ, chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng, vậy tại sao không hỗ trợ doanh nghiệp ngay lúc này.
Cho rằng số doanh nghiệp có lãi trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là rất hạn chế, đại biểu Phùng Văn Hùng khẳng định sự hỗ trợ lúc này đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể coi là sự động viên, khuyến khích các doanh nghiệp phấn đấu tốt hơn.
Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm coi việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác là chính sách để giải quyết tình thế, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc áp dụng giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng.
“Việc áp dụng như đã nêu trên sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung, cá mè một lứa, không công bằng trong tình hình thực tiễn khác nhau của hoạt động sản xuất kinh doanh," đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề xuất cần đánh giá, thẩm định đầy đủ, rõ ràng từng doanh nghiệp, từng ngành hàng dịch vụ, sản xuất kinh doanh về doanh thu, về lao động cụ thể và thiệt hại thực tế do ảnh hưởng dịch COVID-19 gây ra, trên cơ sở đó xác định đối tượng thụ hưởng một cách khoa học và chặt chẽ hơn, với những thủ tục hành chính hợp lý, hợp tình khi doanh nghiệp tiếp cận với chính sách giảm thuế này.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác là một trong các giải pháp tài khóa mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Với tư cách là cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cơ bản tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến trình Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đối với đối tượng được mở rộng hỗ trợ, cần xây dựng tiêu chí phù hợp để tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh rủi ro.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện. Nghị định 41 về gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất, đến nay đã đi vào cuộc sống và rất thuận lợi, doanh nghiệp tự tính và tự khai. 18 loại phí, lệ phí đã được giảm và có những lĩnh vực giảm rất sâu. Có những phí được giảm, thậm chí giảm hoàn toàn, đặc biệt là những phí liên quan đến thị trường chứng khoán. Những giải pháp này thời gian qua đã có tác động tốt, góp phần ổn định thị trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra các nghị quyết về các chính sách như giảm trừ gia cảnh, thuế thu nhập cá nhân... Các chính sách giảm chi phí khác cho doanh nghiệp cũng đang được áp dụng, như điều chỉnh thuế suất xuất nhập khẩu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang xây dựng và thời gian tới sẽ trình giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô nhằm khuyến khích ngành sản xuất ô tô trong nước; soạn thảo trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc giảm phí bảo vệ môi trường về nhiên liệu cho tàu bay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương nặng, đặc biệt là doanh nghiệp hàng không.
Khẳng định Chính phủ đang khẩn trương triển khai những giải pháp này, song ông Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh các giải pháp về tài khóa, tiền tệ cần được thực hiện đồng bộ để có hiệu quả cao nhất. Bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra khi cần thiết cũng phải tăng cường. Kể cả kiểm toán, đồng ý là giãn ra để tạo thuận lợi hơn, nhưng những gì quan trọng thì vẫn phải làm để quản lý theo rủi ro," Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Tạo cơ sở pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay.
Pháp lệnh chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng.
Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất kiến nghị, báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.
Hơn 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, hiện nay các nội dung trên chưa được quy định trong Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật liên quan, do đó chưa có cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Vì vậy, các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam được nhận định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu), những năm qua, bộ đội biên phòng đã góp công lớn cùng chính quyền địa phương, công an và các lực lượng khác gìn giữ an ninh trật tự, canh giữ biên giới đất liền, biên giới trên biển hàng giờ, hàng ngày, hàng đêm.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng biên phòng đã cùng các tỉnh, thành phố kiểm soát, phòng, chống dịch. Quá trình xây dựng luật đã được lấy ý kiến rất kỹ. Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố đều tổ chức hội thảo và có ý kiến góp ý.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cũng tổ chức lấy ý kiến về nội dung này.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần ghi nhận địa vị pháp lý chính danh của bộ đội biên phòng.
Đề nghị bổ sung quy định đối với hành vi nghiêm cấm phá hoại cột mốc biên giới, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) lý giải trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia hiện hành thì xương sống, cốt lõi của luật là xây dựng, bảo vệ, quản lý biên giới. Đường biên giới rất quan trọng, trong đó có cột mốc thể hiện chủ quyền quốc gia. Do đó, dự thảo Luật cần thể hiện được mấu chốt vấn đề này. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị sửa tên gọi của điều 5 trong dự thảo Luật thành "Nhiệm vụ công tác biên phòng."
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, một số đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ thế trận về an ninh trong dự thảo luật.
Đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) nêu rõ trong tất cả các khu vực phòng thủ ở nước ta, sự kết hợp giữa các thế trận tại địa bàn biên giới là đầy đủ nhất.
"Chúng ta có thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa làm rõ vấn đề này,"đại biểu nêu quan điểm; đồng thời đề xuất cần chỉnh sửa một số từ ngữ trong dự thảo Luật để nội dung thể hiện được vai trò đặc biệt của bộ đội biên phòng.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065