Thay ca gác tại mốc chủ quyền Trường Sa - Ảnh tư liệu
Đảo Trường Sa Lớn nằm ở 8038’41” độ vĩ Bắc, 111055’12” độ kinh Đông, là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa. Trải qua gần 40 năm sau ngày giải phóng, quân và dân nơi đây đã xây dựng Trường Sa Lớn từ hòn đảo toàn cát trắng trở thành hòn đảo xanh tươi rợp bóng mát của các loại cây như đu đủ, cây dây leo, bàng vuông... Những phát hiện khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam là căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của nước Việt Nam(*). Từ đó càng củng cố lòng tin, sức mạnh cho những người lính giữ đảo quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng mà ông cha đã để lại.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta, trận đánh mở màn ngày 14-4-1975, giải phóng đảo Song Tử Tây. Chín giờ sáng ngày 29-4-1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Từ ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản tại đây, diện mạo của hòn đảo được đổi mới từng ngày, trở thành pháo đài vững chãi giữa biển khơi. Chiếc cầu cảng dài 150m được xây dựng từ năm 1994 vững chắc vươn xa đón những con tàu từ đất liền vượt qua sóng gió để đến với đảo thân yêu. Trên đảo, những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm y tế... được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống của quân và dân Trường Sa. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân thị trấn đảo Trường Sa Lớn luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các đối tượng khác bị nạn trên vùng biển quản lý. Trải qua những năm tháng xây dựng phấn đấu, quân và dân Trường Sa Lớn luôn phát huy truyền thống và thành tích của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
(*) Các nhà khảo cổ học đã điều tra tại quần đảo Trường Sa vào thời gian 1993-1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca vào năm 1999. Tổng số hiện vật thu được trong các đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498 hiện vật. Trong đó, gốm thô: 33 hiện vật, chiếm 6,62%; đồ gốm sứ các loại: 236, chiếm 48%; đồ sành: 212 hiện vật, chiếm 42,57%; mũi ngói: 1 hiện vật, chiếm 0,20% và tiền kim loại thời Nguyễn (Minh Mạng, Tự Đức): 16 đồng, chiếm 3,21%. Từ những tư liệu khảo cổ học thu được, chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
(Nguồn Báo An ninh Thủ đô)
|
Hiện trên đảo đã có nhiều công trình dân sự, văn hóa tâm linh, thể hiện đời sống phong phú của quân và dân Trường Sa. Nhà đèn Trường Sa Lớn là một trong 7 nhà đèn trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm hàng hải, những ngọn hải đăng còn có ý nghĩa đánh dấu hải giới, xác định vùng lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước quốc tế về Luật Biển. Công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm ở vị trí trung tâm đảo với tổng diện tích gần 800m2. Trong nhà tưởng niệm có bức tượng toàn thân của Bác bằng đồng, nặng gần 1 tấn. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa được khánh thành năm 2010. Đây là công trình thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên đảo Trường Sa Lớn có lá cờ Tổ quốc Việt Nam được gắn từ gốm rộng 312m2 đỏ rực trên nóc tòa nhà hội trường trung tâm của đảo. Cờ Tổ quốc trên đảo làm cho Trường Sa trong trái tim mỗi người Việt Nam trở nên gần gũi như một dải đất liền.
Chùa Trường Sa Lớn khang trang và uy nghiêm ở vị trí trung tâm, là chốn tâm linh đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên đảo gửi gắm niềm tin và nguyện cầu cho sự yên bình, an lạc. Điểm chung của các chùa trên quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, được xây dựng theo phong cách truyền thống với số gian lẻ (thường là một gian, hai chái hoặc ba gian, hai chái), với hệ thống mái cong, có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển. Những ngôi chùa này không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân trên quần đảo Trường Sa, mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo xa xôi. Đó là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của các thế hệ người Việt Nam.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065