747 học sinh đã được UBND tỉnh cử đi học theo chế độ cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng từ năm 2006 đến 2013. Chất lượng đầu vào yếu nên khó giữ sĩ số đến khi sinh viên ra trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được bố trí việc làm thấp đã hạn chế ý nghĩa nhân văn của chủ trương này, đồng thời gây lãng phí không nhỏ ngân sách nhà nước...
Một buổi họp mặt sinh viên cử tuyển do UBND tỉnh tổ chức
Cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số đi học ở các trường đại học, cao đẳng là một chủ trương đúng và cần thiết của Chính phủ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chưa có sự gắn kết giữa sinh viên (SV) được cử tuyển và khâu tiếp nhận khi họ ra trường; chưa có sự quan tâm đúng mức trong quá trình học của các em đã dẫn đến những bất cập...
Đầu voi đuôi chuột
Thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo: Năm 2008 có 75 HS được cử đi học nhưng chỉ có 39 em tốt nghiệp, 14 em đang học đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Minh và 11 em lưu ban. Năm 2011, có 22 SV lưu ban, 2 SV bỏ học và năm 2012 có 8 SV lưu ban. Năm 2011 có 16 chỉ tiêu không tìm ra SV đủ điều kiện dự tuyển theo quy định, năm 2012 có 4 hồ sơ phải gác lại cũng vì lý do tương tự. Bình quân 1 SV học hệ cử tuyển, mỗi năm tỉnh phải cấp 21,1 triệu đồng, trong đó học phí 5 triệu đồng, học bổng và tiền ăn là 16,1 triệu đồng. Chỉ tính năm 2013, Sở Tài chính đã phải cấp gần 19 tỷ đồng cho SV cử tuyển. |
SV hệ cử tuyển sau một năm học dự bị sẽ được học chính thức cùng SV hệ chính quy. Không phải thi tuyển, không cần đạt điểm sàn, SV cử tuyển dễ dàng bước chân vào giảng đường nên chất lượng thấp là điều dễ hiểu. Phụ trách theo dõi quá trình học tập của SV hệ cử tuyển, ông Huỳnh Công Khanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Nhìn chung kiến thức phổ thông của SV cử tuyển hạn chế, khả năng tiếp thu chậm dẫn đến kết quả học tập không cao. Nhiều SV chọn ngành đào tạo có điểm đầu vào cao khi lực học không phù hợp nên không theo kịp chương trình dẫn đến lưu ban, bỏ học”.
Đa số học sinh dân tộc thiểu số có học lực khá, giỏi thường tự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Đơn cử như năm 2011, có 27 học sinh nằm trong danh sách được UBND tỉnh cử đi học cử tuyển nhưng đã tự thi và đậu đại học. Tương tự, năm 2012 có 15 em và năm 2013 có 9 em thi đậu đại học, 1 em vào cao đẳng. Ông Nguyễn Lương Nhân, Phó ban Dân tộc tỉnh cho rằng: “Từ thực tế đó cần phải cân nhắc việc đưa ra các chỉ tiêu đào tạo cho SV hệ cử tuyển sao cho phù hợp với năng lực, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, không đưa SV cử tuyển vào học ở những trường thuộc tốp đầu cả nước, có điểm thi đầu vào quá cao”.
Lãng phí tiền và chất xám
Lãng phí tiền của nhà nước, sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa được bố trí việc làm cũng gây lãng phí chất xám. Từ năm 2006 đến nay, theo số liệu tổng hợp từ Sở Nội vụ, Bình Phước chỉ có 14/100 em cử tuyển tốt nghiệp đại học, đạt tỷ lệ 14% và 88/106 SV cao đẳng được bố trí công việc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc SV cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm. Trước hết do các cơ quan ở tỉnh, huyện đã đủ biên chế, không cam kết sử dụng sinh viên cử tuyển sau đào tạo. SV tốt nghiệp không vượt qua được kỳ thi tuyển công chức và số còn lại không về địa phương.
Sau hơn 7 năm, chính sách cử tuyển vẫn rất cần được tiếp tục để khắc phục những thiếu hụt cán bộ cho vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn như Bình Phước. Tuy nhiên, cần nắm thực tế ở nơi cần những cán bộ thuộc chuyên ngành gì để cân đối chỉ tiêu; đồng thời căn cứ lực học của các em để xét, có thể học trung cấp, cao đẳng... thay vì đưa tất cả vào học đại học. Trình độ không phù hợp, không theo kịp SV chính quy khiến các em thêm mặc cảm dẫn đến lưu ban, bỏ học.
Ông Lê Hoàng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Hớn Quản chia sẻ: “Không cần chăm chăm vào việc sắp xếp SV cử tuyển sau tốt nghiệp vào làm ở các cơ quan nhà nước mà cần nghĩ thoáng hơn. Chúng ta giúp các em nâng cao trình độ trước mục đích phục vụ quê hương. Khi có kiến thức, các em về phục vụ ngay nơi các em ở là tốt nhất. Sắp xếp cho các em làm việc ở thôn, xã cũng là góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở”.
Cần kết nối chặt chẽ
“Do khâu quản lý SV cử tuyển chưa tốt và công tác phối hợp giữa tỉnh với các trường có SV cử tuyển học chưa chặt chẽ nên các huyện, xã có học sinh đi học cử tuyển không nắm được sinh viên đã, đang làm gì, ở đâu. Các trường đại học cũng không thông báo cho tỉnh biết số học sinh đã bỏ học, đang học, lưu ban hoặc đã tốt nghiệp hằng năm” - ông Phạm Thành Chung chia sẻ.
Ở nhiều huyện đã không cam kết ràng buộc giữa hai bên (nơi cử đi và người được đi học). Việc lập danh sách sinh viên cử tuyển không căn cứ vào nhu cầu thực tế mang tính đặc thù của xã, huyện mà chỉ dựa trên chỉ tiêu được phân bổ. Đây cũng là nguyên nhân khiến SV cử tuyển ra trường phải tự “bơi” và không thực hiện được mục đích ban đầu là học xong về phục vụ địa phương. Ông Nguyễn Lương Nhân cho rằng: “Sự gắn kết giữa các sở, ngành hữu quan với các cơ sở đào tạo SV cử tuyển chưa chặt chẽ. Tỉnh không nắm được sĩ số SV đã và đang học tại các trường, SV bỏ học... vì thế chưa kịp thời động viên, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình học của SV”.
Gắn kết yếu còn thể hiện ở chỗ SV ra trường không biết hoặc không chủ động tìm tới những đơn vị cử mình đi học để tìm việc làm. Vấn đề thiếu kết nối đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã kiến nghị với UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp khắc phục vẫn là bài toán khó bởi chưa có một cơ chế quản lý, ràng buộc rõ ràng giữa đơn vị chi ngân sách, người sử dụng ngân sách và nơi tiếp nhận nguồn nhân lực. Như thế, xử lý dứt điểm tình trạng đầu voi đuôi chuột, lãng phí ngân sách và chất xám trong chủ trương đúng đắn, mang ý nghĩa nhân văn này vẫn còn nan giải.
Ông Phạm Thành Chung, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Qua quá trình đào tạo hệ cử tuyển thời gian qua tại tỉnh cho thấy, lãng phí đầu tiên là sinh viên đăng ký ngành nghề đào tạo quá cao so với lực học. Việc chọn ngành học của các em một phần do địa phương xác định, một phần các em tự lựa chọn mà không nhận được sự tư vấn, định hướng của các cơ sở đào tạo và kết quả là nhiều em bị lưu ban hoặc bỏ học... Đào tạo không thu được kết quả. Và lãng phí lớn nhất vẫn là sinh viên tốt nghiệp mà chưa được sử dụng”. |
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065