Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 23 ngàn người, trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) có 1.228 người, chiếm tỷ lệ 5,31%. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp tỉnh, huyện là 181 người; cấp xã 251 người; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập 796 người. Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, cán bộ người DTTS ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về nhiều mặt. Tuy nhiên, việc đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đang bộc lộ những bất cập.
CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ DTTS
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001-2005) đã nêu: “phải có giải pháp tích cực, cụ thể hơn nữa để nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa”. Đến Đại hội đại biểu lần thứ VIII (2005-2010), Đảng bộ tỉnh tiếp tục đề ra chủ trương tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, Đảng bộ tỉnh đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% cán bộ người DTTS sẽ đạt chuẩn trình độ theo quy định.
Học sinh DTTS tại tỉnh nhận quyết định cử tuyển vào đại học
Thực hiện chương trình đột phá về “Đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu lâu dài, tránh bị động, trong đó ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ DTTS.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy cho rằng: Tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy, lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp; tỷ lệ đưa vào nguồn quy hoạch chưa đảm bảo theo yêu cầu. Do tâm lý ứng xử, giao tiếp còn e ngại nên cán bộ, công chức, viên chức DTTS chưa phát huy hết năng lực, sở trường và thiếu tự chủ trong công việc. Bên cạnh đó, nhu cầu được học lên cao, làm việc trong các cơ quan nhà nước chưa phải là động lực tự thân của đa số người DTTS đang gây nên khó khăn, bất cập trong đào tạo, quy hoạch cán bộ là người DTTS.
|
Thực hiện các nghị quyết này, từ năm 2003 đến nay, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 1.300 lượt cán bộ DTTS. Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định thì người DTTS được cử đi đào tạo, bồi dưỡng còn được tỉnh trợ cấp bằng 0,3 lần mức lương tối thiểu. Nếu là nữ DTTS còn được trợ cấp thêm 0,3 lần mức lương tối thiểu nữa. Theo Quyết định số 62/2010/QĐ-UBND, ngày 29-9-2010 của UBND tỉnh, nếu luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức người DTTS thì ngoài hưởng trợ cấp, phụ cấp theo quy định còn được tính cao hơn 10% so với đối tượng khác.
Trong tiếp nhận, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS, tỉnh ưu tiên hàng đầu cho nguồn học sinh DTTS được cử đi đào tạo. Đến nay, 133/209 sinh viên, học sinh cử tuyển tốt nghiệp đã được bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo.
BỘC LỘ NHỮNG BẤT CẬP
Tuy số lượng học sinh của tỉnh được cử tuyển hàng năm đạt chỉ tiêu trung ương giao, nhưng số lượng học sinh dân tộc bản địa chiếm tỷ lệ rất thấp (xét kết quả học tập). Mặt khác, sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường rất khó bố trí việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của sở, ngành, huyện, thị. Vì khi không theo kịp chương trình, kiến thức đào tạo, một số sinh viên cử tuyển đã chuyển sang trường khác hoặc từ đại học chuyển xuống học cao đẳng, trung cấp, thậm chí bỏ học. Vì lẽ đó, đơn vị cử đi đào tạo khó bố trí việc. Song song đó, biên chế không phải lúc nào cũng bỏ trống dành cho đối tượng này.
Hiện cán bộ người DTTS chủ chốt cấp xã là 41/665 người (chiếm 6,17%); tham gia cấp ủy huyện và tương đương là 21/608 người (chiếm 3,45%); cấp ủy tỉnh là 2 người (chiếm 3,63%); giữ các chức danh chủ chốt khối chính quyền cấp huyện 3 người (chiếm 4,41%). Trong số đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, người DTTS cấp xã có hơn 400 đại biểu, 19 đại biểu cấp huyện, 5 đại biểu cấp tỉnh và 1 đại biểu Quốc hội.
|
Ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: “Cán bộ, công chức người DTTS hiện vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, công việc. Việc bố trí cán bộ, công chức người DTTS chưa tương xứng với tỷ lệ người DTTS ở từng cấp, ngành và gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp công việc phù hợp năng lực, trình độ”.
Tuy nhiên, để sắp xếp một công việc phù hợp cho sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp không hề đơn giản. Bởi nhiều năm qua, không ít đơn vị, cấp, ngành đã kiến nghị với UBND tỉnh về thực trạng này. Và hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. 76 sinh viên đã ra trường hiện chưa thể bố trí công việc là một dấu hỏi chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Ông Huỳnh Thanh đưa ra giải pháp mấu chốt là cần khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức DTTS đang công tác để đánh giá năng lực, đặc biệt là người DTTS tại chỗ. Từ đó mới đề xuất được các giải pháp cụ thể, phù hợp. Công tác cử tuyển, đào tạo nghề nên gắn với địa chỉ cụ thể mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo ở vùng DTTS. Như thế, công tác quy hoạch, sử dụng nguồn nhân lực là người DTTS mới sát với thực tế, tránh lãng phí ngân sách.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065