NHỮNG CÁI “ĐẶC BIỆT”
Theo sử sách, Tam Hải là nơi trung tâm của nghĩa địa cá Ông. Cá Ông sau khi chết, được các làng chài tổ chức tang lễ chôn cất 3 năm thì cải táng và xương cốt phải được đưa về đặt ở Tam Hải. Qua nhiều thế kỷ, có đến hàng ngàn ngôi mộ cá Ông đưa về an táng ở nghĩa địa Tam Hải. Chưa thấy nơi nào có một nghĩa địa cá Ông nhiều như thế và mỗi mộ đều có một tảng đá làm dấu. Đây là một di sản quý hiếm, hình thành từ nền văn hóa vùng biển của người Việt từ lâu đời, nó phản ánh lối sống, quan niệm của con người với biển khơi.
Điều đặc biệt thứ hai là, ở Tam Hai có 2 giếng cổ không bao giờ cạn và nước rất ngon. Người dân xã Tam Hải từ bao đời nay vẫn tự hào kể về hai giếng cổ có lịch sử lâu đời trên đảo. Nước giếng có vị thanh ngọt, hàng trăm năm qua múc mãi không bao giờ cạn. Đây chính là nguồn nước vô giá của người dân trên đảo dùng để nấu ăn, uống thay cho nước máy bị nhiễm phèn. Đối với người Tam Hải có lẽ không gì quan trọng bằng việc cả 2 giếng cổ như “bầu sữa” nuôi họ từ đời này sang đời khác. Do vậy, người dân nơi đây luôn có ý thức bảo vệ nguồn nước thiêng liêng ấy. Các bậc cao niên trên đảo cho biết, ngư dân ra khơi đánh bắt đều chuẩn bị nước giếng cổ dành để uống dần. Nguồn nước ngọt giữa bốn bề nước mặn sẽ giúp người đi biển khỏe khoắn hơn. Không ít hộ dân trên xã đảo có giếng đào, giếng khoan nhưng tuyệt nhiên không nhà nào có được nguồn nước như ở 2 giếng cổ này. Nhiều tài liệu viết về đất Tam Hải ghi: Người Việt đến vùng đất này cùng với cuộc di dân lần thứ nhất là năm 1403. Hai giếng cổ có tuổi thọ ít nhất trên 600 năm.
THẮNG CẢNH TAM HẢI
Thời gian vừa qua, ai cũng biết đến Tam Hải với việc người dân nơi đây tìm thấy những con tàu xưa bị chìm và đã vớt được nhiều đồ vật cổ giá trị. Trong 2 con tàu đắm vừa tìm thấy, ngư dân vớt được hàng trăm cổ vật, gồm bát đĩa gốm, dao găm bị hàu, vỏ ốc bám tạo hình thù kỳ lạ. Nhiều cổ vật gốm sứ được ngư dân phát hiện, vớt lên ở Rạn Nhọn, cách bờ khoảng 300m và khu vực Cửa Lở ở xã đảo Tam Hải. Trong đó giá trị nhất là những dĩa, bát gốm sứ cổ có màu men lạ, độc đáo chưa từng thấy từ trước đến nay. Ngoài ra, các ngư dân còn tìm thấy 2 mảnh gỗ nghi là thân của một con tàu cổ. Một mảnh dài hơn 1,2m, ngang gần 0,5m và dày gần 0,1m. Mảnh thứ hai nhỏ hơn, giống như chi tiết nối ghép thân tàu, có cả những vị trí chốt nêm. Ngư dân cũng vớt được khẩu súng bằng đồng, giống súng trường trên con tàu chìm ở khu vực Cửa Lở. Các chuyên gia khảo cổ nhận định, hiện vật như dao găm, khẩu súng bằng đồng tìm thấy ở con tàu cổ này có niên đại vào thế kỷ 17, 18. Những hiện vật này cho thấy, ngay từ rất sớm Việt Nam đã mở cửa, giao thương với các nước phương Tây.
Hiện nay, xã đảo Tam Hải đã được tỉnh Quảng Nam quy hoạch thành một khu du lịch đặc biệt nằm trong khu phi mậu dịch của Khu kinh tế mở Chu Lai. Về Tam Hải ai cũng đến núi Bàn Than để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của một vách đá đen dựng đứng sát mép biển, với bài thơ Nôm (khuyết danh) được người dân nơi đây lưu truyền: “Khen ai khéo dựng núi Bàn Than/Dãi gió dầm mưa với thế gian...” . Xã đảo Tam Hải là một trong số ít nơi có thể nhìn thấy mặt trời lặn trên biển. Thiên nhiên đã tạo nên Tam Hải với bốn bề sóng nước, ưu ái cho mảnh đất này những điều đặc biệt cùng với bãi cát dài, cảnh quan đẹp là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở nước ta.
Thế Nhàn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065