Chiến sĩ hải quân vui văn nghệ dưới chân cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn Đông - Ảnh internet
Sinh Tồn Đông có chiều dài khoảng 160m, chiều rộng khoảng 60m, xung quanh và 2 đầu của đảo cũng đều có những doi cát. Nền đất trên đảo là cát san hô nên chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng quả vuông, cây bão táp. Đất ở đảo, qua quá trình cải tạo, cùng với việc mang đất từ đất liền ra có thể trồng được rau xanh. Giống như nhiều đảo cấp 3 khác trên quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn Đông không có nước ngọt nên mọi thứ sinh hoạt liên quan đến nước đều nhờ vào công tác dự trữ, nhất là nước mưa. Là đảo nhỏ nằm cạnh các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép (cách 4 hải lý về phía Tây Bắc là đá Huygơ (Tư Nghĩa) đang bị Trung Quốc chiếm đóng), Sinh Tồn Đông có một vị trí chiến lược hết sức đặc biệt và là một trong những vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Trong những năm qua, đảo Sinh Tồn Đông trở thành biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của Trường Sa giữa biển Đông đầy bão tố. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn an tâm công tác và xác định rõ nhiệm vụ giữ vững ổn định, hòa bình, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống. Nơi đây, những người lính luôn cảm nhận rõ tình đồng chí, đồng đội nồng nàn. Họ đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, tạo cuộc sống vui tươi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ai cũng coi nhau như anh em ruột thịt để chia sẻ, động viên đồng đội, sẵn sàng nhận lấy phần vất vả, thiệt thòi về mình, dành điều tốt đẹp hơn cho người khác. Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, quân đội và nhân dân cả nước, nhiều khó khăn trên đảo đã được khắc phục, đời sống của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt. Hàng năm có rất nhiều đoàn đến thăm, động viên anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Hiện Sinh Tồn Đông đã có điện từ nguồn năng lượng gió và pin mặt trời. Nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần bộ đội đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Đảo Sinh Tồn Đông có phần nổi rộng hơn 6.000m2, nằm giữa hàng trăm ngàn m2 phần thềm san hô. Là đảo cấp 3 (thuộc loại nhỏ), Sinh Tồn Đông nằm trong cụm đảo khu vực 2 thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 25-4-1978, khi ra kiểm tra đảo đá Grierson cùng Chính ủy quân chủng Hải quân Hoàng Trà, Tư lệnh quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên Grierson thành đảo Sinh Tồn Đông. Tại đây, lần đầu tiên Trung đoàn 83 Công binh xây dựng nhà cao chân trên đảo từ các vật tư sẵn có, phù hợp với điều kiện tự nhiên của đảo. Đây là kinh nghiệm rất quý, để sau này làm nhà cao chân (nhà giàn) trên các đảo chìm. (Nguồn: Lịch sử Quân chủng Hải quân) |
Mặc dù thiếu nước ngọt, thiếu đất tăng gia nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đảo vẫn vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, tự túc đủ rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải thiện đời sống. Bộ đội luôn biết tiết kiệm và tận dụng các nguồn nước để dùng tưới rau. Tuy điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt nhưng Sinh Tồn Đông luôn tràn đầy màu xanh sự sống với cây quả bàng vuông cổ thụ cùng rất nhiều cây xanh đã và đang được trồng khắp đảo. Vấn đề về xây dựng đảo “xanh - sạch - đẹp”, tạo cảnh quan, môi trường là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu của bộ đội, đặc biệt là tổ chức đoàn của đảo. Mỗi đoàn viên, thanh niên trong ngày lễ tết,... phải trồng 2-3 cây xanh. Trong quá trình đó, cây được chăm sóc đến khi xanh tốt mới được công nhận và đưa vào quản lý chung. Từ một đảo ít cây xanh, đến nay Sinh Tồn Đông đã trồng được rất nhiều cây phủ xanh đảo. Ngoài nguồn cây giống mang từ đất liền ra, bộ đội còn biết tự chiết các loại cây đang có trên đảo để trồng.(*)
Gần 40 năm qua, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông hoàn thành xuất sắc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đất liền. Không những thế, đảo Sinh Tồn Đông còn là điểm tiền tiêu trong việc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi đánh bắt hải sản trên vùng biển quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Khi trời mưa bão, Sinh Tồn Đông là nơi trú ẩn an toàn của tàu bè và ngư dân đất liền đánh cá trên biển.
Thế Nhàn
(*) Bài viết có sử dụng tài liệu.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065