Đảo Sinh Tồn nằm ở tọa độ 9053’7” vĩ độ Bắc; 114019’47” kinh độ Đông. Đảo này cùng với các đảo, đá, bãi phụ cận thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo cách đất liền 320 hải lý, cách Sinh Tồn Đông 15 hải lý về phía Đông và chỉ cách đảo Gạc Ma (nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép) vài hải lý. Đảo chạy dài theo hướng Đông Tây, chiều dài khoảng 400m, chiều rộng 140m. Nói đến đảo Sinh Tồn, chúng ta lại nhớ đến bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” viết năm 1982 của nhà thơ Trần Đăng Khoa (đã được phổ thành bài hát), với những câu: “Dù chẳng mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt biển/Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão...”. Những câu thơ này nói về cảnh chờ mưa, khát khao những giọt nước trời của cánh lính đảo lúc bấy giờ. Ngày nay, Sinh Tồn tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã khác trước rất nhiều. Ngoài những cây đặc thù của Trường Sa như bàng trái vuông, phong ba... Sinh Tồn đã có nhiều cây mang từ đất liền ra như dừa và một số cây khác. Khi màn đêm buông xuống, đảo Sinh Tồn như một thành phố lung linh, huyền diệu tràn đầy sức sống giữa trùng khơi biển nước bao la Trường Sa.
Trẻ em trên đảo Sinh Tồn - Ảnh internet
Hàng năm, đảo tiếp tục đón nhận những công dân từ đất liền tiếp theo, tự nguyện ra đảo. Sinh Tồn ngày một ấm áp thêm bởi những cư dân và những mái nhà, xanh thêm những vườn rau và cây trái. Sau gần 40 năm, lính trên đảo Sinh Tồn giờ không còn “mắt đăm đăm” ngóng nhìn những cơn mưa. Với chiến lược kinh tế biển đã được xác định, cùng với sự đầu tư và chăm chút của đất liền thì vấn đề về nước ngọt đã được khắc phục. Tuy không có nguồn nước ngọt tự nhiên như ở đảo Trường Sa Lớn, nhưng với việc xây dựng các bể ngầm nên nước ngọt cho sinh hoạt hàng ngày ở đây đã đảm bảo đến mức tối thiểu cho dân và bộ đội sinh hoạt. Ngoài việc có nước ngọt để dùng, người dân ở đảo còn có thêm nước ngọt để tưới cây. Có nước ngọt và chủ động được nước ngọt, đảo sẽ đa dạng thêm về các loại thực vật, làm phong phú chủng loại cây trồng ngoài các cây truyền thống như phong ba, bàng trái vuông. Với ý chí tự lực, tự cường và tinh thần chủ động, đoàn kết khắc phục khó khăn quân và dân xã đảo Sinh Tồn đã tích cực tăng gia sản xuất tự bảo đảm được 100% nhu cầu rau xanh và một phần lớn thực phẩm.
Gần 40 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước đã kế tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ giữ đảo. Với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, quân và dân trên đảo luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Với những thành tích và kết quả đạt được, quân dân xã đảo Sinh Tồn vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1988, đảo vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 2004, được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Từ năm 2000 đến 2006 và năm 2008, đảo đều được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng. Từ năm 2004 đến nay, đảo được tặng 9 bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, UBND tỉnh Khánh Hòa và Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những thành tích xuất sắc trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. (*)
Sinh Tồn, ai đặt tên cho đảo, sao thật ý nghĩa. Trong sóng gió ngàn khơi, trước những âm mưu toan tính của thế lực nước ngoài, đảo Sinh Tồn vẫn như bức thành đồng của Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Hồ Tĩnh Tâm đã viết trong bài thơ Với Trường Sa: “Một quần đảo nghìn đời nay vẫy gọi/Những cánh chim trời bay đến trú mưa dông/ Nơi in dấu bàn chân mở lối/Của ông cha bao thế hệ sinh tồn”. Và trên đảo hiện hữu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” đã được quân và dân đảo Sinh Tồn khắc ghi từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thế Nhàn
(*) Bài viết có tham khảo các tài liệu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065