Đảo Kê Gà nhìn từ đất liền - Ảnh internet
Đảo Kê Gà là nơi đón ánh nắng mặt trời đầu tiên của ngày mới. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây một vùng biển tuyệt đẹp, bờ biển là dải cát trắng với hàng dừa tỏa bóng xanh mát. Ở Kê Gà còn có những ghềnh đá hoa cương trắng hồng nhọn như những mũi tên hướng lên trời xanh, tạo cho hòn đảo vẻ đẹp hoang sơ hấp dẫn. Vùng biển mũi Kê Gà có vị trí hiểm trở với nhiều bãi đá ngầm. Vì vậy, từ thế kỷ XIX, người Pháp cho xây dựng tháp hải đăng nơi đây. Hải đăng Kê Gà có chức năng hướng dẫn cho tàu thuyền đánh cá và cảnh báo nguy hiểm đối với tàu bè đi qua khu vực này. Kê Gà cũng là ngọn hải đăng có tuổi thọ cao nhất vùng biển Đông Nam Á. Theo tài liệu của ngành hàng hải Việt Nam, tháp hải đăng Kê Gà được xây dựng từ tháng 2-1897 và đưa vào sử dụng năm 1899, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Tháp cao 35m, nếu tính luôn độ cao toàn bộ từ ngọn đèn đến mặt biển là 65m, kích thước cạnh của tháp rộng 3m, đỉnh rộng 2,5m. Tháp hải đăng có hình bát giác và được xây dựng bằng đá hoa cương đặc biệt.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Ở phía Bắc cách huyện Tuy Lý 52 dặm, phía Nam sát biển có núi Cẩm Kê, núi có loài chim trĩ, có những hòn đá lớn nằm ngang ra biển, ở ngoài có hòn đảo tên là Kê Dữ còn gọi là Đảo Gà”. Còn theo người dân cao niên nơi đây cho biết: Đảo Kê Gà (hay Khe Gà), còn gọi là Hòn Bà. Mũi đất này có khe giống đầu mỏ của một con gà. Thời Pháp thuộc, khi vẽ bản đồ hành chính người ta ghi là Kéga, theo cách phát âm của người Pháp, về sau quen gọi là Kê Gà. |
Làng biển Kê Gà, xã Tân Thành ngày nay là một địa danh lịch sử văn hóa và thắng cảnh du lịch sinh thái biển nổi tiếng ở huyện Hàm Thuận Nam. Vùng quê này mang đậm dấu ấn những di sản của ngôi làng cổ độc đáo từ thuở ông cha trong hành trình đi mở cõi đất phương Nam. Làng biển Kê Gà ngày xưa gọi là làng chài Văn Kê, được hình thành vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm 1771, quân Tây Sơn đến vùng đất Bình Thuận lập cứ, mang theo những dòng người vào đây lập nghiệp. Thấy Kê Gà thuận lợi cho nghề chài lưới nên họ đã dừng chân nơi đây và xây dựng một làng nghề sầm uất, gắn bó với biển khơi. Làng biển Kê Gà đã đi vào lịch sử bằng những công lao, trí tuệ của bao thế hệ người Việt. Năm Giáp Dần 1854, đời vua Tự Đức thứ 7, nhiều lần quân thần đã đến đây để ban sắc phong của triều đình cho làng Kê Gà. Sắc phong ghi nhớ công lao tạo dựng, lập nghiệp và thành tích của người dân làng Kê Gà cổ xưa.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làng biển Kê Gà là vùng căn cứ cách mạng của vùng chiến trường cực Nam Trung bộ. Người dân nơi đây đã bám biển, giữ làng, chiến đấu anh dũng bảo vệ vùng căn cứ cách mạng Tân Thành. Ngôi làng cổ này xứng đáng với truyền thống và danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vùng biển mũi điện Kê Gà trong những năm chiến tranh ác liệt còn in dấu tích của những đoàn tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, góp phần làm nên những kỳ tích huyền thoại trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kê Gà xưa giờ đã thành làng du lịch sinh thái biển, với cảnh sắc thiên nhiên đất trời, biển đảo tươi đẹp. Ở vùng quê này hiện đã có hàng chục dự án du lịch sinh thái biển, bảo tồn và tái tạo những cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên những nét đẹp văn hóa vật thể du lịch quý giá. Những làng du lịch mới có nhiều loại hình nghỉ dưỡng như tắm khoáng bùn và văn hóa ẩm thực với những đặc sản, hương vị miền quê Nam Trung bộ đầy hấp dẫn.
Trung Lương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065