Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều cán bộ ngân hàng bị truy tố do vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể là 7 cán bộ của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi Lăng ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vừa bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về hành vi lừa đảo, cố ý làm trái, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông vừa đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố 13 bị can trong vụ “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và nhận hối lộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cũng vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Bùi Văn Vũ (36 tuổi, ngụ xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang - nguyên Phó phòng quan hệ khách hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt chi nhánh tỉnh Long An về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2009-2013, với chức danh Phó phòng quan hệ khách hàng thuộc Ngân hàng Bảo Việt chi nhánh tỉnh Long An, Vũ đề nghị những người cho vay đáo hạn ngân hàng đưa tiền để trực tiếp làm thủ tục đáo hạn ngân hàng với khách hàng. Bằng hình thức đó Vũ đã vay mượn và còn nợ tiền của 9 người với tổng số tiền 8,6 tỷ đồng rồi xin nghỉ việc, lánh mặt các chủ nợ. Số tiền vay mượn này Vũ đem trả nợ cũ trước đó và “nướng” vào các sòng cờ bạc.
Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại Bình Phước cũng có chuyện đáng buồn và cho đến nay, dư luận vẫn chưa hết bàn tán vì sao vị kế toán ở Ủy ban Măt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lại dễ dàng qua mặt nhân viên ngân hàng, kho bạc bằng chữ ký giả mạo để rút tiền nhiều lần, trong đó có lần gần nửa tỷ đồng tiền mặt.
Không phải những cá nhân trên là những “con sâu làm rầu nồi canh”, mà trong thực tế ở tỉnh này, thành phố kia đã có khá nhiều những “con sâu” tương tự phải tra tay vào còng rồi lãnh án tù. Và không ai đoán chắc rằng hiện nay, trong “nồi canh ngân hàng” đã hết những con sâu. Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức kinh doanh trong hệ thống ngân hàng.
Từ thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng, các cơ quan chức năng đã chỉ ra tám sai phạm chủ yếu của các cán bộ ngân hàng như sau: Cố ý làm sai, hợp thức hóa thủ tục cho vay; lợi dụng sự thay đổi chính sách để tư lợi; cho vay tín chấp không đủ điều kiện, cho vay trước, hoàn thiện hồ sơ sau; vay “ké”, vay lại để sử dụng vào mục đích riêng; quản lý tài sản, kho hàng thế chấp không chặt chẽ; định giá tài sản không đúng giá trị thực; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra việc sử dụng vốn vay; chính sách với khách hàng VIP còn nhiều sơ hở.
Đã tìm ra kẽ hở nhưng nếu không có giải pháp hữu hiệu thì sẽ khó ngăn chặn được tiêu cực trong ngành ngân hàng. Và giải pháp tốt nhất để hạn chế rủi ro về đạo đức, các ngân hàng cần xây dựng bộ quy tắc nghề nghiệp, trong đó có quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, kèm theo đó là thực hiện việc kiểm tra chéo để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong bộ quy tắc ấy vấn đề đạo đức phải là tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá KPI (hệ thống các chỉ số đánh giá kết quả công việc) của từng nhân viên...
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065